Ước tính có khoảng 50.000 người biểu tình chống chủ nghĩa bài Do Thái đã tuần hành ở London ngày 26/11, để phản đối sự gia tăng tội ác nhắm vào người Do Thái kể từ cuộc tấn công của nhóm Hamas vào Israel vào tháng 10.
Những người biểu tình mang theo những tấm biểu ngữ có thông điệp "Sát cánh với người Do Thái ở Anh" và những bức ảnh các con tin Israel bị nhóm Hamas bắt giữ.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng gia đình tham gia cuộc tuần hành, bắt đầu từ Tòa án Công lý Hoàng gia Anh (RCJ), rồi qua trụ sở Văn phòng Chính phủ Anh (Whitehall) và kết thúc ở Quảng trường Quốc hội (phía Tây Bắc Cung điện Westminster) trong khoảng thời gian từ 1h30 đến 3h chiều.
Cùng tham gia với ông Johnson có một số nhân vật cấp cao trong Chính phủ Anh, như: Giáo sĩ trưởng Giáo đoàn Do Thái Thống nhất của Khối thịnh vượng chung Sir Ephraim Mirvis, và một số người nổi tiếng khác, bao gồm nữ diễn viên Anh gốc Do Thái Tracy-Ann Obermann, nữ MC Rachel Riley, diễn viên hài David Baddiel và luật sư hình sự Robert Rinder.
Cảnh sát Thủ đô London đã nhận được báo cáo về 554 vụ phạm tội chống Do Thái từ ngày 1/10 đến ngày 1/11, tăng so với 44 vụ một năm trước đó (gấp hơn 10 lần). Các báo cáo về hành vi phạm tội kỳ thị người Hồi giáo gần như tăng gấp ba lên 220 vụ trong cùng thời kỳ.
Cảnh sát đã bắt giữ một nhà hoạt động cực hữu, Tommy Robinson, khi bắt đầu cuộc tuần hành hôm Chủ nhật sau khi anh ta từ chối rời khỏi khu vực theo yêu cầu của cảnh sát. Những người tổ chức cuộc biểu tình đã yêu cầu Robinson không tham dự vì sự hiện diện của anh ta có thể gây rắc rối. Cảnh sát cũng bắt giữ một người đàn ông đã đưa ra những bình luận chống Do Thái.
Cuộc tuần hành hôm Chủ nhật diễn ra một ngày sau cuộc biểu tình mới nhất ở thủ đô nước Anh của những người biểu tình ủng hộ Palestine kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.
Cảnh sát ước tính 45.000 người đã tuần hành trong cuộc biểu tình vào thứ Bảy (25/11)trong khi họ cho biết 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình vào Chủ nhật (26/11).
Chiến dịch chống chủ nghĩa bài Do Thái, tập trung vào mối quan tâm của người Do Thái ở Anh, cho biết đây là cuộc tuần hành lớn nhất kể từ cái gọi là Trận chiến phố Cable năm 1936 khi phát xít Anh đụng độ với những người phản đối ở một khu vực phía Đông London, nơi có nhiều người Do Thái sống vào thời đó.