4 ngày không điện, không nước, không phương tiện liên lạc, người dân một số khu vực trũng tại TP. Yên Bái gần như mất kết nối hoàn toàn với thế giới xung quanh.
Đầu tháng 9/2024, các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình… liên tục cập nhật những tin tức về cơn bão số 3 – siêu bão Yagi. Tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines. Sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024.
Chỉ vỏn vẹn 2 ngày ngắn ngủi, từ cấp 8, Yagi đã thăng cấp với tốc độ chóng mặt và chính thức trở thành siêu bão với cường độ cực đại ở cấp 16, giật cấp 17. Sau khi càn quét, biến khu vực đảo Hải Nam, Trung Quốc trở nên hoang tàn, Yagi không những không suy yếu mà tiếp tục duy trì vị thế “siêu cường” trong lịch sử những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam.
Ngày 7/9, bão Yagi chính thức đụng độ mảnh đất hình chữ S khi đổ bộ thẳng vào 2 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh và Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 13 – 14, giật trên cấp 16. Với hoàn lưu rộng, sức ảnh hưởng của bão phủ kín toàn bộ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc, bao gồm cả mảnh đất rồng bay Thủ đô Hà Nội.
Ngày 8/9, bão bắt đầu suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và trút xuống khu vực Tây Bắc những cơn mưa trắng xóa trời. Cũng từ đây, vùng Tây Bắc của tổ quốc Việt Nam chìm trong biển nước, ghi nhận mức lũ lịch sử, cướp đi hàng trăm sinh mạng của dân tộc máu đỏ da vàng, để lại những đau thương, mất mát và trở trành những kỷ niệm buồn mãi không thể quên.
Là một trong những người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng hậu bão Yagi, anh Trần Văn Linh (trú tổ 8, phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái) cho biết, gần 40 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên anh chứng kiến trận lũ “lịch sử” như cơn lũ hậu siêu bão Yagi.
Chia sẻ với PV báo Công lý, anh Linh cho hay, từ đầu tháng 9/2024, anh đã biết được những thông tin về cơn bão số 3 – siêu bão Yagi từ các phương tiện truyền thông và chính quyền địa phương. Lực lượng chức năng đã thông báo tới từng hộ gia đình cần tích trữ lương thực, ở yên trong nhà đã tránh bão.
Hưởng ứng thông báo, gia đình anh gồm 4 thành viên là anh Linh, vợ và 2 người con đã nhanh chóng tới chợ và siêu thị, mua những nhu yếu phẩm như rau, củ, thịt, gạo, mỳ tôm, bánh đóng gói và nước đóng chai từ ngày 6/9.
Ngày 7/9, bão Yagi bắt đầu đổ bộ, Yên Bái do ảnh hưởng hoàn lưu của bão cũng có mưa to và gió giật. Tuy nhiên, lúc này tình hình vẫn chưa xấu đi.
“Ngày 7/9 thì hệ thống điện, nước, mạng internet, mạng di động vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do chính quyền đã cảnh báo rằng khả năng mưa lớn sẽ gây lũ lụt nên gia đình tôi đã kê toàn bộ thiết bị điện lên cao, ti vi thì mang lên tầng 2. Còn đối với nhiều nhà hàng xóm là nhà cấp 4, chỉ có một tầng, chúng tôi đã sang hỗ trợ di dời đồ đạc và vật dụng sinh hoạt”, anh Linh kể.
Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi bước sang ngày 8/9. Mưa tiếp tục trắng xoá bầu trời Tây Bắc. TP. Yên Bái ảm đạm trong những màn mưa. Tối 8/9, lũ bắt đầu về, mực nước bắt đầu dâng.
Chỉ trong vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ, một khu phố đang thoáng đãng bắt đầu bị ngập, rồi mực nước tăng dần, tăng dần, cho tới khi ngập hoàn toàn và biến trục đường chính trở thành một dòng sông với nước chảy xiết.
“Trận lụt này còn kinh khủng hơn trận lụt năm 2008. Năm 2008, nước không vào được nhà tôi, chỉ đến bậc thứ 2 của bậc tam cấp. Thế mà, chỉ trong vỏn vẹn vài giờ đồng hồ, nước đã mấp mé vào nhà. Tôi đã gửi 2 con vào ông bà ngoại từ hôm 7/9, nhà chỉ có vợ chồng tôi. Phát hiện nước lên, tôi hô hào vợ cùng nhau bê tủ lạnh, các thiết bị điện như quạt điện, máy giặt, lò vi sóng… lên tầng 2. Cả khu phố giữa mưa lũ là những tiếng người gọi nhau, những tiếng kêu cứu vì nước vào nhà biến khung cảnh trở nên rất hỗn loạn.
Mất ít phút để dọn một số vật dụng điện cũng là lúc khu của chúng tôi bị cắt điện. Bên cạnh nhà tôi có 2 cụ cao tuổi, sống một mình, tôi và vợ đã lội nước sang dọn đồ cho cụ rồi đưa cụ sang nhà tôi ở tạm. Cứ khoảng 1 giờ đồng hồ, mực nước tăng 10 – 15 cm. Muốn đi từ nhà này sang nhà khác thì chỉ có bơi chứ không lội nước được nữa”, anh Linh vẫn chưa hết sợ hãi khi kể lúc lũ về.
Theo lời anh Linh, may mắn cho gia đình là vẫn sử dụng bếp gas. Nhiều hộ hàng xóm nhà anh sử dụng bếp điện đã không thể nấu ăn trong những ngày mưa lũ. Khi điện bị cắt, do đã đọc các hướng dẫn của lực lượng chức năng kết hợp với các mẹo sinh tồn qua báo chí, anh Linh cùng vợ đã sơ chế toàn bộ thực phẩm tích trữ với mục đích lưu trữ được lâu hơn.
“Nếu để rau, củ tươi hay thịt tươi thì kiểu gì cũng hỏng, vì lúc này cắt điện, cắt nước, tủ lạnh trở thành vật bỏ đi. Tôi lập tức quyết định phải sơ chế toàn bộ thực phẩm tích trữ. Thịt kho, thịt rang, cá rán, rau củ quả luộc qua rồi để ở nơi thoáng đãng, chỉ hi vọng lũ lụt không kéo dài”, anh Linh nói.
Dù đã sạc cả sạc dự phòng, tuy nhiên các thiết bị như điện thoại, máy tính… nhanh chóng ngừng hoạt động do hết điện. Trong 4 ngày không điện, không nước, không internet, mạng di động chập chờn, cách thức duy nhất mà anh Linh cùng vợ có thể liên lạc với bên ngoài là ra đứng ở ban công, hét to gọi hàng xóm để kiểm tra tình hình. Sau khi lũ ngập hết tầng 1, so với mặt đường là mực nước khoảng 3 – 4 mét, anh Linh nhận thấy lực lượng chức năng bắt đầu sử dụng thuyền, xuồng di chuyển đến thăm hỏi và hỗ trợ các gia đình trong khu phố.
“Ai cũng hỏi thăm các cán bộ, nhân viên cứu hộ về tình hình các khu khác. Khu nào có người thân bị ngập lụt thì mọi người lo lắng, khu nào không có thì nhờ cán bộ chuyển lời đến người nhà rằng mình vẫn an toàn. Dù bão lũ, ngập lụt, nhưng chúng tôi không kinh hoảng, cũng không sợ hãi. Chính quyền địa phương vận động chúng tôi ở yên trong nhà, nhu yếu phẩm sẽ được bà con cả nước hỗ trợ, chính quyền sẽ đưa tới tận tay người dân. Những lúc thế này mới thấm 2 chữ “đồng bào” thật thiêng liêng”, anh Linh chia sẻ.
Theo anh Linh, trong suốt 4 ngày ngập lụt chia cách thành phố, bà con khu phố anh càng thêm đoàn kết. Mọi người gọi hỏi thăm nhau liên tục, nhà ai thiếu đồ gì thì nhà khác hỗ trợ, cũng là một dịp khiến mọi người gần gũi nhau hơn. Rồi khi biết được Yên Bái có người thiệt mạng do ảnh hưởng mưa lũ, mọi người khu phố anh lại buồn, lại xót thương cho đồng bào, cho những người mà mình chưa bao giờ gặp, dù tình hình của chính họ cũng đang gồng mình chống chọi với lũ lụt.
Qua câu chuyện của anh Linh, có thể thấy dù hoàn cảnh khắc nghiệt ra sao, người dân Việt Nam vẫn kiên cường, bất khuất, một nơi hoạn nạn cả nước hướng về, vì dân tộc Việt Nam ta là một. Suốt 4 ngày cô lập, bản thân anh Linh và nhiều người dân tổ 8, phường Nguyễn Thái Học vẫn tin tưởng mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn, tuyên truyền của chính quyền địa phương, dân quân một lòng.
TP. Yên Bái tháng 9/2024, những kỷ niệm không thể nào quên và xin đừng lặp lại.
Thực hiện: Tuấn Dũng - Đức Sơn - Minh Lý.