Giáo dục

30 năm đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội – Thành tựu và triển vọng

Mỹ Linh 05/11/2023 - 16:20

Nằm trong chuỗi các hoạt động và là hoạt động trọng điểm, nổi bật hướng tới chào mừng 44 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội, sáng 3/11, Hội thảo khoa học: 30 năm đào tạo sau đại học - Thành tựu và triển vọng đã được tổ chức tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

l1.jpg
Đại biểu tham dự cùng nhau lưu giữ lại kỉ niệm tại Hội thảo khoa học: 30 năm đào tạo sau đại học - Thành tựu và triển vọng

Hội thảo là một sự kiện khoa học ý nghĩa nhằm tổng kết, đánh giá quá trình hình thành và phát triển hoạt động đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội trong suốt hành trình 30 năm. Đây cũng là dịp đặc biệt để Nhà trường ghi nhận, tri ân các cá nhân, tập thể đã có những thành tích quan trọng góp phần vào sự phát triển của công tác đào tạo sau đại học, đồng thời là diễn đàn để các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo sau đại học của Nhà trường trong bối cảnh thực hiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật.

Về phía khách mời có: PGS.TS, Trung tướng Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Toà án quân sự TW, Nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội; TS Dương Thanh Mai - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; PGS.TS Phan Hữu Thư - nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và sau đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội; TS Nguyễn Hữu Du - Phó Giám đốc Học viện Toà án; TS Nguyễn Thị Tình - Trưởng khoa luật, Trường Đại học Thương mại.

Về phía các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có sự tham dự của ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Tố Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; bà Bùi Thị Nguyệt Ánh - Phó phụ trách Phòng Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của các thầy cô nguyên là lãnh đạo trường Đại học Luật Hà Nội: GS.TS Lê Minh Tâm - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, nguyên Phó Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Ngọc Hoà - nguyên Phó Hiệu trưởng, Giảng viên cao cấp Khoa Pháp luật hình sự; GS.TS Lê Thị Sơn - nguyên Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trương Quang Vinh - nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách; TS. Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Đối với các thầy cô lãnh đạo đương nhiệm có sự tham dự của TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; Các Phó Hiệu trưởng: PGS. TS Vũ Thị Lan Anh, PGS.TS Tô Văn Hoà. Ngoài ra, hội thảo có sự tham dự của các thầy cô đại diện các nhà khoa học khác: GS.TS Thái Vĩnh Thắng - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước; GS.TS Nguyễn Minh Đoan - Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Trưởng Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS Đoàn Trung Kiên đã điểm qua một số dấu mốc quan trọng và thành tựu nổi bật thể hiện quá trình phát triển của hoạt động đào tạo sau đại học trong 30 năm qua của Trường Đại học Luật Hà Nội. Về phát triển ngành đào tạo và chương trình đào tạo sau đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo Luật đầu tiên của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo đầy đủ cả 07 ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo Danh mục ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở các ngành đào tạo đã được giao, Trường liên tục rà soát, cập nhật, xây dựng với các chương trình đào tạo gắn với ngành đào tạo đang thực hiện. Tính đến thời điểm năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam có nhiều chương trình đào tạo sau đại học nhất, với tổng số 20 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ (trong đó có 07 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, 06 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, 07 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ). Bên cạnh các chương trình đào tạo sau đại học do Trường trực tiếp giảng dạy, Trường còn phối hợp xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với một số trường đại học uy tín nước ngoài như: Đại học Panthéon – Assas Pari II của Cộng hòa Pháp (đào tạo bằng tiếng Pháp) và Đại học Tổng hợp Lund của Vương quốc Thụy Điển (đào tạo bằng tiếng Anh). Từ năm 2009, Trường triển khai các thỏa thuận hợp tác đào tạo với Trường Đại học Tây Anh quốc (UWE) về đào tạo thạc sĩ luật học (đào tạo bằng tiếng Anh).

l2.jpg
Ông Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Về xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, Trường đã xây dựng được một đội ngũ gồm 315 giảng viên cơ hữu, trong đó có 3 giáo sư, 30 phó giáo sư, 102 tiến sĩ; ký hợp đồng thỉnh giảng với 178 giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu hầu hết được đào tạo ở các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật hoặc các ngành có liên quan đến pháp luật (tâm lý học, triết học, xã hội học, kinh tế học…). Nhiều giảng viên được đào tạo và tốt nghiệp tại các trường đại học có uy tín trên thế giới như: Đại học Tổng hợp HUMBOLDT, Đại học tổng hợp Các-Mác (Cộng hòa Liên bang Đức), Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va mang tên LOMONOXOP - MGU, Trường Đại học Quốc gia quan hệ quốc tế Mat-xcơ-va - MGIMO (Cộng hòa Liên bang Nga); Đại học Lund (Thụy Điển); Đại học Paris II (Cộng hòa Pháp); Đại học Melbourne, Đại học La Trobe, Đại học New South Wales (Australia); Đại học Nagoya, Đại học Tokyo (Nhật Bản); Đại học Tây Anh quốc – UWE (Vương quốc Anh); Đại học Tổng hợp Bruc-xen (Vương quốc Bỉ)…

Về phát triển hệ thống thể chế và tổ chức bộ máy quản lý đào tạo sau đại học, Trường đã tập trung nguồn lực để ban hành đồng bộ hệ thống thể chế nội bộ trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có hoạt động đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, Trường cũng chú trọng xây dựng và phát triển bộ máy quản lý đào tạo sau đại học theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của tự chủ đại học và quản trị đại học hiện đại.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau đại học, cơ sở vật chất của Trường phục vụ đào tạo sau đại học đã phát triển vượt bậc, bao gồm các phòng học có đầy đủ tiện nghi phục vụ giảng dạy và học tập, phòng phục vụ bảo vệ luận văn, luận án, phòng hội thảo. Trường cũng xây dựng hệ thống học liệu in và học liệu điện tử của các ngành đào tạo sau đại học (bao gồm hệ thống sách chuyên khảo, tham khảo; tạp chí; đề tài khoa học các cấp; luận văn, luận án, e-book; cơ sở dữ liệu điện tử).

Về hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học, Trường đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với trên 40 đối tác quốc tế, trong đó có nhiều các cơ sở đào tạo sau đại học có uy tín của một số quốc gia trên thế giới như: Đại học Lund (Vương quốc Thụy Điển); Đại học Panthéon – Assas Paris II (Cộng hòa Pháp); Trường Đại học quốc gia Quan hệ quốc tế Mat-xcơ-va - MGIMO; Đại học Tây Anh Quốc - UWE (Vương quốc Anh); Đại học quốc gia Singapore - NUS (Singapore); Đại học Nagoya và Đại học Keio (Nhật Bản); Đại học Vân Nam (Trung Quốc); Đại học Melbourn, La Trobe (Australia)…

Về quy mô tuyển sinh, tổ chức đào tạo và kết quả đào tạo, Trường đã tuyển sinh và đào tạo được 31 khóa đào tạo thạc sĩ, 29 khóa đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 28 khóa học thạc sĩ, 25 khóa nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Trường tuyển sinh và đào tạo với quy mô bình quân khoảng 450 – 500 học viên cao học, 50 – 60 nghiên cứu sinh của tất cả các ngành đào tạo, trong khi năng lực tuyển sinh và tổ chức đào tạo của Trường theo quy định hiện nay đạt bình quân khoảng 650 học viên cao học và 180 nghiên cứu sinh mỗi năm.

Để ghi nhận những kết quả đạt được sau 30 năm đào tạo sau đại học, nhân dịp này Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã quyết định trao tặng Bằng khen cho 2 tập thể là Trường Đại học Luật Hà Nội và Phòng Đào tạo sau đại học, đồng thời Hiệu trưởng cũng có quyết định tặng Giấy khen 9 tập thể và 31 cá nhân có thành tích trong công tác đào tạo sau đại học của Nhà trường. Nhân dịp này, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên gửi lời cảm ơn Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và cá nhân đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Trường, trong đó có công tác đào tạo sau đại học; trân trọng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị, đối tác đã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Trường hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

l3.jpg
l4.jpg
Đại học Luật Hà Nội nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động đào tạo sau đại học

Thay mặt tập thể Lãnh đạo Nhà trường, TS Đoàn Trung Kiên ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân trong toàn Trường, đặc biệt là các thầy, cô nguyên Lãnh đạo Trường qua các thời kỳ, các thầy, cô nguyên là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên viên Khoa Đào tạo sau đại học nay là Phòng Đào tạo sau Đại học cùng đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài Trường đã tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến trí tuệ, công sức, thời gian cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực pháp luật nói chung và đào tạo nguồn nhân lực trình độ sau đại học của Trường ta nói riêng.

Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe 4 tham luận xoay quanh về thực trạng và định hướng phát triển đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo sau đại học của Nhà trường; Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học của Nhà trường; Thực trạng và định hướng phát triển hệ thống thể chế nội bộ và tổ chức bộ máy quản lý trong đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội; Đánh giá từ góc nhìn của người sử dụng lao động sau 30 năm đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo cũng được lắng nghe các ý kiến thảo luận thẳng thắn, sôi nổi của các nhà khoa học, các chuyên gia, người sử dụng lao động và của các thầy, cô giáo đóng góp đối với công tác đào tạo sau đại học của Nhà trường hiện tại cũng như định hướng phát triển thời gian tới.

Kết luận Hội thảo, TS. Đoàn Trung Kiên trân trọng cảm ơn các tác giả có bài viết, các tác giả có bài trình bày cũng như các ý kiến tham luận và các quý vị đại biểu tham dự tại Hội thảo đã dành thời gian quý báu, tâm huyết đóng góp cho công tác đào tạo sau đại học của Nhà trường. Qua các ý kiến đóng góp tại Hội thảo giúp Trường Đại học Luật Hà Nội có thêm những giải pháp, cả ngắn hạn và dài hạn để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Nhà trường ngày càng tốt hơn, đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội, tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo luật, thực hiện được các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định số 1156 về việc phê duyệt Đề án tổng thể tiếp tục xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật cũng như xứng đáng với vai trò, vị trí dẫn dắt trong mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay của Nhà trường.

l5.jpg
Ông Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận: Thực trạng và định hướng phát triển đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội
l6.jpg
Bà Nguyễn Thị Tình - Trưởng khoa luật, Trường Đại học Thương mại trình bày tham luận: 30 năm đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội – Đánh giá từ góc nhìn của người sử dụng lao động
l7.png
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận: Xây dựng, phát triển hệ thống thể chế nội bộ và tổ chức bộ máy quản lý trong đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội – Thực trạng và định hướng phát triển
l8.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận: Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

l9.jpg
l10.jpg
l11.jpg
l12.jpg
l13.jpg
l14.jpg
l16.jpg
l15.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
30 năm đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội – Thành tựu và triển vọng