Ngày 7/11, sau hơn một ngày thảo luận Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến công tác Tòa án.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm 3 vấn đề: việc thụ lý, giải quyết tranh chấp những khiếu kiện về bảo hiểm xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động đề cập đến; vấn đề về thiếu Thẩm phán và việc xử lý, kỷ luật Thẩm phán vi phạm pháp luật hiện nay; vấn đề cơ sở vật chất, trụ sở của các TAND cấp huyện.
Nhìn nhận phiên thảo luận về công tác tư pháp hôm nay, có nhiều ý kiến phát biểu liên quan đến hoạt động của Tòa án các cấp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đây là những ý kiến thẳng thắn, thuyết phục, có dẫn chứng cụ thể, nhiều gợi mở, rất dễ nghe thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với mong muốn hoàn thiện hơn nữa các cơ quan tư pháp, và sẽ ghi nhận để thực hiện và hết sức cám ơn các vị đại biểu Quốc hội.
Sẽ xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH
Trong phần phát biểu trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nêu: Việc Tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội, do còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ước khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của hơn 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo”, chưa có hướng giải quyết…
Về vấn đề ông Cường nêu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là vấn đề rất bức xúc. Hiện nay có 102.900 đơn vị đang nợ tiền BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ, với số tiền 6.000 tỷ, Tòa đã xét xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ còn lại Tòa án phải trả hồ sơ. Nguyên nhân của việc trả hồ sơ do có bất cập cả về luật thực định cũng như luật thực thi.
Về luật thực định, từ khi Luật BHXH ra đời, Quốc hội đã giao cho cơ quan bảo hiểm quyền kiểm tra và phạt doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp trốn hoặc nợ đọng tiền bảo hiểm. Vì vậy, các vụ án trước đây khởi kiện ra Tòa theo trình tự dân sự, nay được chuyển sang trình tự hành chính và theo tố tụng hành chính, bởi vì quyết định của bảo hiểm được xem như là một quyết định hành chính, doanh nghiệp buộc phải chấp hành. Nếu như doanh nghiệp không chấp hành thì phải có một cơ quan hành chính cấp trên là UBND địa phương- nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm giải quyết là quyết định hành chính đó đúng hay không, thì lúc đó Tòa án mới tiến hành xử lý theo tố tụng hành chính.
Còn trường hợp cơ quan Bảo hiểm đề nghị Tòa án xử lý vụ việc theo trình tự dân sự thì không thể được. Bởi vì, nguyên tắc của dân sự là hai bên bình đẳng với nhau, mỗi bên đều có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu của mình để tự bảo vệ cũng như phản bác quyết định của đối phương. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là người bị xử phạt bằng quyết định hành chính của cơ quan bảo hiểm, cho nên không bình đẳng, không xử lý theo trình tự dân sự được và Tòa không thụ lý được loại án này.
Toàn cảnh phiên họp
Còn đối với luật thực thi đi vào thực tiễn cuộc sống, các doanh nghiệp cho rằng: Cơ quan bảo hiểm cũng là một loại hình doanh nghiệp, nên không đủ căn cứ ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp khác 5 hoặc 3 tỷ đồng… Chính vì vậy, Tòa án không tiến hành thụ lý xét xử vụ án được dẫn đến bị kéo dài.
Vấn đề này cũng đã được TANDTC, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam bàn thảo rất nhiều lần nhưng chưa tìm ra phương án xử lý vì Tòa án không có cách nào khác là tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, Chánh án cũng cho biết, vướng mắc này chỉ tồn tại từ nay cho đến hết năm 2017, vì bắt đầu từ 1/1/2018 hành vi trốn thuế, hay những gian lận trong đóng bảo hiểm đã được hình sự hóa và trở thành tội phạm, như vậy vụ việc sẽ không được kiện ra tòa theo trình tự hành chính hay dân sự, mà theo tố tụng hình sự, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xử lý theo quy định.
Các Thẩm phán đã phải cố gắng hết mình
Liên quan đến việc thiếu Thẩm phán, Chánh án cho hay: Tòa án hiện nay phải chịu áp lực rất lớn. Điều đó không chỉ là sự vất vả mà còn liên quan đến chất lượng xét xử. Theo quy định, mỗi Thẩm phán phải xét xử 5 vụ/tháng, nhưng nhiều quận ở TP Hồ Chí Minh Thẩm phán đã phải xử đến 12 vụ/tháng, quận Ninh kiều ở TP Cần Thơ mỗi Thẩm phán đã phải xét xử đến 18 vụ/tháng. Với số lượng công việc nhiều vậy, nguy cơ rủi ro về chất lượng rất cao, dù rằng các Thẩm phán đã cố gắng hết mình.
Vì vậy, với các ý kiến đề nghị UBTVQH cho phép tăng biên chế Thẩm phán của ĐBQH, Chánh án cho biết, sẽ ghi nhận để báo cáo UBTVQH và đề nghị ủng hộ đề xuất này.
Riêng đối với đề nghị bổ sung Thẩm phán sơ cấp ở cấp tỉnh, theo Luật thì cho phép, nhưng hiện nay số lượng Thẩm phán sơ cấp chủ yếu để tăng cường cho Tòa cấp huyện, và hơn 4.800 Thẩm phán sơ cấp mà UBTVQH phân bổ biên chế đã được bố trí hết, không còn đủ để bố trí cho cấp tỉnh theo đúng quy định của Luật nữa. Nếu UBTQH đồng ý cho tăng thêm số lượng Thẩm phán theo định biên cho phép thì sẽ có nguồn bố trí Thẩm phán sơ cấp cho Tòa cấp tỉnh, Chánh án cho biết.
Còn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, Chánh án cho biết, hiện nay việc đào tạo của Học viện Tòa án rất đa dạng nhiều hình thức loại hình đào tạo: qua hệ thống truyền hình trực tuyến, đào tạo theo từng khu vực, theo chuyên đề, theo luật cho các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân,... với số lượng rất nhiều. Ngoài ra, còn rất nhiều giải pháp khác để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
“Ví dụ như phiên họp của Quốc hội hôm nay, tôi đã yêu cầu tất cả Tòa án các cấp nếu không bận xét xử và những cuộc họp quan trọng khác các đồng chí ngồi trước ti vi xem đây như một buổi để đào tạo; cần phải lắng nghe Quốc hội, cử tri mong muốn ở các cán bộ tư pháp những gì, nhân dân đòi hỏi gì ở Tòa án; những vụ án nào, ở Tòa án nào được nêu trong phiên họp Quốc hội để chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm”, Chánh án nêu ví dụ cụ thể.
Chánh án TANDTC cũng khẳng định, ông đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ Thẩm phán và tiến hành kỷ luật rất nghiêm minh, bởi đó cũng là mong muốn của cử tri về sự liêm chính trong thi hành công vụ. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám đốc kiểm tra, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC, sau khi lấy ý kiến toàn ngành đã ban hành quy định dành cho các chức danh tư pháp với các hình thức kỷ luật nghiêm minh.
Lý giải về sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm chậm Thẩm phán, Chánh án cho biết, thời gian vừa qua có những khó khăn, vướng mắc. Đó là từ khi Luật tổ chức Tòa án 2014 có hiệu lực thì việc bổ nhiệm và nâng ngạch Thẩm phán đều phải qua các kỳ thi tuyển quốc gia. Năm qua TANDTC đã đã tổ chức ba kỳ thi tuyển quốc gia có chất lượng. Các ứng viên phải trải qua kỳ tuyển quốc gia mới được bổ nhiệm và việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cho hàng trăm ứng viên Thẩm phán này rất vất vả và tốn kém. Cuộc thi tuyển phải tập trung tại Hà Nội, và phải trải qua kỳ ôn thi. Khi thi xong phải chờ thời gian theo quy định để phúc thẩm, thẩm tra kết quả nên thời gian bị kéo dài.
Bên cạnh đó, Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia là những thành viên từ nhiều Bộ, ngành khác nhau, thường xuyên thay đổi, mỗi lần thay đổi một thành viên của Hội đồng này phải do Chủ tịch Quốc hội quyết định. Các đồng chí Bộ trưởng làm công tác quản lý nên rất bận, nên việc triệu tập một cuộc họp của các thành viên này rất vất vả, Chánh án cho biết.
Tiếp phần trả lời của Chánh án về công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp mà nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo tập hợp, tổng hợp, báo cáo UBTVQH để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức quán triệt thực hiện.