20 bác sĩ “chạy đua” 8 giờ cứu bé sơ sinh mang máu màu đen

Chí Tâm| 20/08/2019 21:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các bác sĩ của 2 bệnh viện lớn tại TP.HCM đã "chạy đua" để đưa cháu bé bị dị tật tim mạch quái ác trở về từ “cửa tử”.

Trước đó, thai phụ T.T.H.T. (29 tuổi, ngụ Tiền Giang) mang thai và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ. Đến tuần thai thứ 22, thai nhi được phát hiện bị chuyển vị đại động mạch (một bệnh lý tim bẩm sinh). Dị tật này khiến máu đỏ chuyển thành máu đen đi nuôi cơ thể khi bé chào đời.

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã liên lạc, hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nhằm tìm phương án can thiệp ngay khi em bé chào đời.

Ngày 6/8, tại Bệnh viện Từ Dũ, chị T. sinh một bé gái có cân nặng 3,1 kg. Ngay sau khi chào đời, em bé bắt đầu tím tái và được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1.

Nhờ biết trước được căn bệnh nguy hiểm của bé, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 sẵn sàng tiếp nhận bé sau sinh và can thiệp hỗ trợ hô hấp, đánh giá cấu trúc giải phẫu tim và truyền thuốc duy trì ống động mạch cho bé.

20 bác sĩ “chạy đua” 8 giờ cứu bé sơ sinh mang máu màu đen

Bệnh nhi hồi phục tốt sau ca mổ

Đến sáng hôm sau, bé ngày càng tím, sốc, máu đỏ không thể trộn đủ ở tầng nhĩ. Ê-kíp bác sĩ tim mạch đã hội chẩn ngay và quyết định làm thông tim mở vách liên nhĩ cấp cứu. Không may là vách liên nhĩ rất dày và khả năng chỉ mở được một phần, đủ giúp bé vượt qua cơn nguy kịch, ổn định dần sau 8 giờ hồi sức tích cực.

Đến sáng 8/8, tình trạng bệnh nhi ổn nhưng có nguy cơ rơi vào tình trạng sốc tim lần thứ 2. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chuyển gốc hai đại động mạch về vị trí bình thường ngay trong ngày 8/8.

Ca phẫu thuật với sự tham gia của 20 bác sĩ, nhân viên y tế đã thành công. Ngày 20/8, bệnh nhi đã ổn định và chuẩn bị được xuất viện.

Theo BSCK2 Đỗ Thị Cẩm Giang - Khoa Nội Tim mạch, chuyển vị đại động mạch là bệnh lý tim bẩm sinh cần phối hợp sản nhi, cần can thiệp trong thời kỳ sơ sinh, cần truyền thuốc ngay sau sinh để mở ống động mạch, cần thông tim để mở vách liên nhĩ, cần mổ tim để chuyển hại đại động mạch về vị trí bình thường. Vì khi bé quá tím, oxy không đủ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 20-30 ca bệnh lý này. Mặc dù hơn 100 ca đã được mổ với kết quả tốt nhưng hầu hết các ca không được chẩn đoán tiền sản, đến bệnh viện trong tình trạng tím tái nặng.

Theo bác sĩ Giang, công tác chẩn đoán tiền sản rất quan trọng, giúp các bác sĩ và sản phụ chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhi ngay sau khi chào đời. Do đó, trong suốt quá trình mang thai, phụ nữ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
20 bác sĩ “chạy đua” 8 giờ cứu bé sơ sinh mang máu màu đen