Trong tuần qua, trước áp lực tăng giá đồng Dollar trên thị trường tài chính thế giới, tỷ giá USD/VND trong nước đã tăng mạnh. Theo các chuyên gia có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cùng với các tuyên bố của ông trong quá trình vận động tranh cử liên quan đến các chính sách kinh tế của nước Mỹ trong thời gian ông làm tổng thống, kết hợp với động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất đồng Dollar vào thời điểm cuối năm, đã khiến tỷ giá của đồng USD dậy sóng trên thị trường tiền tệ thế giới.
Trong tuần qua, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, xuống mức 1 USD = 6,8972 CNY. Từ đầu năm đến này, đồng yên Nhật đã phá giá gần 14% so với đồng USD, đang niêm yết ở mức 1 USD = 111,07 JPY.
Liên tiếp trong 10 ngày qua tỷ giá USD/VND trong nước tăng liên tục, đồng Dollar Mỹ tăng hơn 1% so với VND kể từ thời điểm 14/11. Tỷ giá niêm yết cao nhất tại một số Ngân hàng thương mại lên đến 22.600 VND/USD. Tỷ giá trung tâm của NHNN tăng từng ngày từ 22.067 VND/USD lên đến mức 22.120 vào ngày 22/11. Thời điểm hiện tại tỷ giá trung tâm của NHNN đã dừng đà tăng, tại các Ngân hàng thương mại tỷ giá niêm yết cũng không tăng từng ngày nữa, đang ổn định quanh mức 22.580 VND/USD (theo công bố của VCB ngày 22/11).
Tỷ giá USD/VND tăng liên tiếp trong những ngày qua
Tăng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu trong nước
Khi đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) thì giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn, sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ được nâng cao. Chẳng hạn, 1 lô hàng xuất khẩu trị giá 21.000 triệu VND. Thời điểm 1/2016 tỷ giá trên thị trường USD/VND là 21.000 thì lô hàng này được bán trên thị trường quốc tế với giá 1 triệu USD. Thời điểm 11/2016 tỷ giá USD/VND 22.600 thì lô hàng này được bán với giá 21.000/22.600= 0,9292 triệu USD, rẻ hơn ban đầu. Khi ấy, mức cầu mở rộng và khối lượng hàng hoá xuất khẩu sẽ gia tăng. Trong khi đó, giá hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên đắt hơn, do đó hạn chế nhập khẩu. Như vậy, sự tăng lên của tỷ giá làm nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Ngược lại, nếu giá của đồng nội tệ tăng lên so với đồng ngoại tệ (tỷ giá hối đoái giảm) sẽ làm cho xuất khẩu giảm đi, nhập khẩu tăng lên và cán cân thanh toán trở nên xấu hơn.
Xu thế tăng giá đồng USD tăng với hầu hết các loại ngoại tệ khác, trong khi tỷ giá VND vẫn đứng yên. Theo phân tích trên nếu hàng hóa Việt Nam cùng xuất đi nước ngoài với hàng hóa của các nước khác, thì tất nhiên tính cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kém lợi thế. Do đó tỷ giá USD/VND tăng góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Xuất phát từ cầu USD giai đoạn cuối năm tăng
Giai đoạn cuối năm, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là các hàng hóa tiêu dùng phụ thuộc vào nhập khẩu (xăng dầu, ô tô,…), kéo theo nhu cầu xuất nhập khẩu của nền kinh tế trong nước tăng, dẫn tới nhu cầu sử dụng đồng Dollar trong nước tăng theo, từ đó cầu Dollar trên thị trường tăng.
Theo thông tin công bố từ Tổng cục thống kê, đến giữa tháng 11, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 2,7 tỷ Dollar, cho thấy nhu cầu sử dụng USD tăng trong nên kinh tế sử dụng cho việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, từ đó gây áp lực tăng tỷ giá USD/VND.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ cách tính tỷ giá của NHNN và nhóm các các đồng tiền trong rổ tiền tệ cũng giảm giá khi đồng USD tăng giá. NHNN kể từ thời điểm 1/1/2016 áp dụng cách tính tỷ giá trung tâm VND/USD thông qua cách tính tỷ giá bình quân gia quyền của 8 đồng ngoại tệ mà Việt Nam thường xuyên có quan hệ về kinh tế, đầu tư, ngoại thương. Đồng Dollar trên thị trường thế giới tăng mạnh trong những ngày qua, dẫn đến giá của 8 đồng tiền dùng để tính tỷ giá trung tâm của NHNN hầu hết đều mất giá từ 1-3% so với đồng USD. Tỷ giá USD/VND được NHNN công bố, dựa trên sức mạnh của các đồng tiền trong rổ tiền tệ được lựa chọn, nên khi các đồng tiền trên mất giá cũng kéo theo VND mất giá. Tỷ giá USD/VND tăng có một phần nguyên nhân phụ thuộc cánh tính tỷ giá trung tâm của NHNN và giá đồng Dollar tăng trên thị trường thế giới.
Những nguyên nhân trên dẫn đến việc tăng tỷ giá USD/VND trong những ngày qua là tất yếu, điều này cũng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên để tránh rủi ro về tỷ giá, các chuyên gia dự báo tỷ giá cuối năm tiếp tục tăng, và có lời khuyên đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu, nên thực hiện các hợp đồng kỳ hạn mua/bán USD ở thời điểm hiện tại.
Nhằm điều tiết, quản lý diễn biến tăng của tỷ giá USD, NHNN đã có những biện pháp nhằm tăng lượng cung USD, kiểm soát tín dụng ở mức hợp lý, một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ. Việc thay đổi chính sách ngoại tệ trong thời gian qua giúp giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân. NHNN đã ban hành thông tư 15/2015/TT-NHNN vào tháng 10/2015 nhằm hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tê giao ngay trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, theo đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường.