2 đề án giáo dục gặp khó khăn khi áp dụng thực tế

PV (tổng hợp)| 31/10/2016 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD-ĐT đã chỉ ra những khó khăn khi áp dụng 2 đề án vào hệ thống giáo dục đó là Đề án ngoại ngữ và Dự án mô hình trường học mới (VNEN).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo về một số thông tin liên quan đến Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án ngoại ngữ 2020) và Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) gửi đại biểu Quốc hội; trong đó nhìn nhận lại các thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai.

Theo Bộ GD-ĐT, đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 và Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã triển khai thiếu chủ động, chưa bám sát các mục tiêu trong quá trình triển khai. Một số mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020 được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước.

Đề án chưa bảo đảm về thời gian (mục tiêu đặt ra từ năm 2008 nhưng thực tế mới được triển khai chính thức từ năm 2011) và tài chính (vốn ngân sách nhà nước cấp trong giai đoạn 2008-2015 chỉ đạt 70,3% so với yêu cầu).

Bộ GD-ĐT cũng đánh giá việc bố trí và sử dụng kinh phí của đề án thời gian qua cũng còn một số bất cập khi còn dàn trải, chậm trễ. Thậm chí, nhiều địa phương khi triển khai kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy học ngoại ngữ còn chưa đầy đủ.

2 đề án giáo dục gặp khó khăn khi áp dụng thực tế

Bộ GD-ĐT thừa nhận 2 đề án giáo dục gặp khó khăn trong áp dụng thực tế

Về Dự án mô hình trường học mới (VNEN), Bộ GD-ĐT thừa nhận có sự nóng vội khi triển khai, chưa bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục, chưa giải quyết đầy đủ các yêu cầu cần thiết khi triển khai mô hình như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa linh hoạt, chương trình, sách giáo khoa và tài liệu học tập còn thiếu thốn, do vậy hiệu quả triển khai mô hình còn hạn chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình trường học mới tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập. Lộ trình và bước đi triển khai mô hình chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để đảm bảo sự minh bạch, chính xác và thống nhất trong hoạt động khảo thí ngoại ngữ trên cả nước.

Song song với tiếng Anh, Bộ GD-ĐT thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất. Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017. Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội chú ý và có nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đưa nhiều ngoại ngữ vào giảng dạy trong nhà trường là xu thế tất yếu khách quan. Tuy vậy, việc triển khai mở rộng đại trà hoạt động dạy và học đối với bất kỳ một ngoại ngữ nào trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về chương trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ một cách thực chất và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2 đề án giáo dục gặp khó khăn khi áp dụng thực tế