Trên thế giới có khoảng 19% người chuyển giới nữ sống chung với HIV và so với dân số chung, tỷ lệ người chuyển giới nữ sống chung với HIV cao hơn 49 lần.
Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ khởi động Chiến dịch truyền thông thúc đẩy cộng đồng người chuyển giới nữ tiếp cận với dịch vụ HIV tại Việt Nam với chủ đề "Hạnh phúc là mình - Tin yêu cuộc sống” do Cục Phòng chống HIV/AIDS, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Tổ chức Sáng kiến Y tế toàn cầu tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Các đại biểu tham gia Lễ khởi động Chiến dịch truyền thông thúc đẩy cộng đồng người chuyển giới nữ tiếp cận với dịch vụ HIV
TS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV-AIDS cho hay: "Tiếp cận với các công cụ dự phòng HIV thiết yếu và có tính sáng tạo như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, dự phòng phơi nhiễm và sau phơi nhiễm là yếu tố quan trọng để loại trừ HIV tại Việt Nam".
Các nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ nhận thức và sử dụng các công cụ dự phòng HIV này trong cộng đồng chuyển giới rất thấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy một khi được biết thông tin thì phụ nữ chuyển giới sẵn sàng sử dụng và ở một mức độ nào đó, sẵn sàng chi trả cho xét nghiệm HIV và PrEP.
Một nghiên cứu ở TP.HCM vào năm 2015 đã phát hiện 18% người chuyển giới nữ tham gia nghiên cứu nhiễm HIV và mắc bệnh giang mai. Trong khi đó, một nghiên cứu của USAID/PATH năm 2016 cho thấy, chỉ có 46% người chuyển giới nữ tham gia bảo hiểm y tế.
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà người chuyển giới nữ đang phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày đã dẫn đến các nguy cơ đang gia tăng về HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khỏe tâm thần, lạm dụng rượu và chất gây nghiện. Nó cũng đặt ra các rào cản pháp lý và xã hội trong việc chăm sóc và thông tin y tế.
Những người chuyển giới nữ đang giơ cao thông điệp "Hạnh phúc là chính mình. Tin yêu cuộc sống”
Năm 2015 Việt Nam đã thông quan luật cho phép người chuyển giới đăng ký nhận dạng giới tính khi họ lựa chọn và có hiệu lực vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất khó khăn cho những người chuyển giới có được giấy tờ tùy thân phản ánh nhân dạng giới tính đã lựa chọn. Điều này, đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận dịch vụ của người chuyển giới.
“Chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống” và biểu tượng cánh bướm đại diện cho sự chuyển mình mà cộng đồng người chuyển giới nữ đang trải qua. Đó là nền tảng để người chuyển giới nữ cất lên tiếng nói, chăm sóc cho bản thân để được công nhận là chính mình”, bà Mai Châu - Trưởng ban Điều hành mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam chia sẻ.
Chiến dịch tiên phong này sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc tiếp cận những người có nguy cơ HIV cao nhất và cung cấp cho họ các thông tin và dịch vụ HIV thiết yếu, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-90 và loại trừ HIV vào năm 2030.