17 em học sinh tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn phải quả hồng châu, trong đó 1 em đã tử vong.
Ngày 4/10, lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho biết, trên địa bàn xã Chiềng Ken xảy ra vụ ngộ độc khiến nhiều em học sinh nhập viện, 1 em tử vong.
Trong số đó, 1 trẻ đã tử vong, 16 trẻ còn lại đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn và Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 2/10, trên đường đi học về một nhóm học sinh thấy cây rừng ven đường có nhiều quả chín nên rủ nhau hái ăn.
Đến khoảng 14h cùng ngày, một số em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn cấp cứu và điều trị.
Đến 23h30 phút ngày 3/10, tổng cộng có 17 học sinh phải nhập viện (7 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Ken; 9 học sinh Trường Tiểu học số 1 Chiềng Ken; 1 trẻ Trường Mầm non Chiềng Ken).
Quá trình điều trị có 1 trường hợp diễn biến nặng, hôn mê được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai và đã tử vong tại bệnh viện vào ngày 3/10.
Có 8 trẻ diễn tiến nặng, chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Hiện sức khỏe nhóm này đã ổn định.
8 trẻ còn lại đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn. Tất cả đều khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường.
Nhóm diễn tiến nặng ăn một lượng lớn hồng châu, có trẻ ăn từ 7-10 quả. Nhóm không triệu chứng chỉ ăn rất ít.
Ngay sau vụ việc, cơ quan chức năng đã chặt hạ toàn bộ cây hồng châu guyệngộ độc tại Chiềng Ken. Đồng thời, Sở Y tế đã thành lập đoàn công tác vào Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn kiểm tra và làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc.
Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng, lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12cm, màu của lá xanh đậm.
Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông. Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp.
Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Hiện chưa có thuốc điều trị ngộ độc đặc hiệu với độc tố nói trên, do đó điều trị triệu chứng là chủ yếu. Khi bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc, cần đưa đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ.