Ngày 11/9, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Phúc Thiều (SN 1980), trú tại phường Thuận Hòa, TP.Huế, tỉnh TT-Huế về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thiều là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH Interflour Việt Nam (Công ty IFV), được giao nhiệm vụ phụ trách khu vực miền Trung kể từ ngày 22/2/2010. Trong thời gian này, Thiều tham gia đánh bạc trên mạng Internet dẫn đến thua bạc phải đi vay mượn tiền với lãi suất cao của nhiều người như: Ông Tấn, ông Huyền, bà Vân, bà Gái (đều không rõ họ tên thật và địa chỉ, số điện thoại liên lạc). Toàn bộ số tiền vay mượn được, Thiều tiếp tục sử dụng để đánh bạc, tiêu xài cá nhân và trả nợ gốc hoặc lãi.
Đến đầu năm 2015, Thiều đã thiếu nợ của những người này một số tiền rất lớn mà bản thân Thiều không có khả năng chi trả, nên nảy sinh ý đồ gian dối muốn chiếm đoạt một số lượng lớn thức ăn chăn nuôi (loại bột cám mì) của Công ty IFV sản xuất ra, đem bán để lấy tiền trả nợ, tiêu xài và đánh bạc tiếp.
Bị cáo Nguyễn Phúc Thiều tại phiên tòa
Với mục đích cần tiền để đánh bạc và trả nợ tiền thua bạc trước đó, nên trong khoảng thời gian từ ngày 06/01/2015 đến ngày 24/01/2017, Thiều đã lợi dụng mình là Trưởng phòng kinh doanh khu vực miền Trung thuộc Công ty TNHH Interflour Việt Nam, Thiều đã sử dụng các thủ đoạn gian dối như: khi Công ty Tín Phương đặt mua hàng bột cám mì thì Thiều tự ý đặt mua thêm một khối lượng lớn khác với danh nghĩa của Công ty Tín Phương, hoặc Thiều gửi thư điện tử đến Ban Giám đốc Công ty IFV xin thêm hạn mức mua bột cám mì cho công ty Tín Phương với nhiều lý do khác nhau (nhưng trên thực tế Công ty Tín Phương không có nhu cầu).
Sau đó, Thiều trực tiếp liên hệ với nhân viên phân phối hàng hóa và bộ phận kho hàng của Công ty IFV để cung cấp các thông tin gian dối, yêu cầu xuất hàng cho công ty Tín Phương (kèm theo hóa đơn bán hàng). Đồng thời, để che giấu số tiền bán hàng chiếm đoạt được, Thiều còn nói dối Ban Lãnh đạo Công ty IFV là Công ty Tín Phương đang gặp khó khăn trong kinh doanh, chưa có tiền để thanh toán ngay số lượng hàng bột cám mì vừa mua.
Do Công ty Tín Phương là khách hàng có uy tín lâu năm nên cần gia hạn kéo dài việc trả nợ cho công ty Tín Phương và phải tiếp tục bán hàng cho Công ty Tín Phương. Mặt khác, Thiều nói dối với Ban Lãnh đạo IFV và nhân viên kế toán là hóa đơn VAT mua hàng và các bản đối chiếu công nợ mà Công ty IFV gửi qua đường bưu điện cho Công ty Tín Phương thường hay bị thất lạc, nên Thiều sẽ trực tiếp nhận tại Kế toán Công ty hoặc tại kế toán kho hàng rồi giao lại cho Công ty Tín Phương. Nhưng thực tế Thiều giữ lại toàn bộ số hóa đơn VAT và các bản đối chiếu công nợ này để tránh bị Công ty Tín Phương phát hiện.
Toàn bộ số hàng bột cám mì chiếm đoạt được, Thiều dùng thủ đoạn tiêu thụ như sau: Thiều nói dối anh Nguyễn Quang Tùng (là giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Phát, có trụ sở tại lô số 11, khu công nghiệp Đồng Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chuyên kinh doanh mua bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm) là Thiều có một số lượng lớn bột cám mì bán với giá nội bộ Công ty, thấp hơn giá bình thường 1 kg từ 200 đồng đến 300 đồng, cho một đại lý khách hàng mới thành lập ở tỉnh Quảng Nam, nhưng họ chưa có khách hàng tiêu thụ, nếu anh Tùng có nhu cầu mua sẽ bán lại cho.
Anh Tùng tin tưởng Thiều nói liền đồng ý giới thiệu cho anh ruột mình là ông Nguyễn Quang Tâm làm chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Quá trình mua bán, anh Tâm hoàn toàn không biết Thiều mà chỉ nhờ anh Tùng giao dịch giúp với Thiều. Khi nào nhận được hàng chở đến thì anh Tâm mới thanh toán tiền cho Thiều sau. Vì mua hàng để chăn nuôi lợn hàng ngày nên anh Tâm cũng không cần lấy các hóa đơn VAT bán hàng để lưu giữ. Với thủ đoạn này, anh Tâm và anh Tùng hoàn toàn không biết số lượng bột cám mì do Thiều chiếm đoạt của Công ty IFV bán cho mình.
Với những thủ đoạn này, bị cáo Thiều đã thực hiện liên tục 112 lần chiếm đoạt số lượng 2.323.000 kg bột mì của công ty IFV, qua định giá có giá trị là 10.951.700.000 đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải, xin được nhận một mức án nhẹ nhất để sớm trở làm lại cuộc đời. Bị cáo đã khắc phục một phần tiền cho bị hại. HĐXX xét thấy, hành vi của các bị cáo có tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, bị cáo cần một mức án nghiêm khắc để răng đe.
Vì vậy, hội đồng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phúc Thiều 16 năm tù về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra bị cáo phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền còn lại đã chiếm đoạt của bị hại.