Văn hóa - Du lịch

15 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2023

Minh Anh 05/12/2023 15:56

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 15 hạng mục vào vòng bình chọn các sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm. Theo đó, sự kiện ấn vàng của vua Minh Mạng trở về mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam.

Sáng 5/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 15 hạng mục vào vòng bình chọn các sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm, đặc biệt nhất là việc Đàm phán thành công ấn vua Minh Mạng hồi hương.

hinh-anh-05-12-2023-luc-15.17.jpeg
Ấn của vua Minh Mạng. (Ảnh: Millon)

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Di sản văn hóa, khẳng định lại ý nghĩa việc ấn vàng hồi hương: "Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ sang nền dân chủ, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Theo ông Phong, sự việc tạo tiền đề đưa các cổ vật khác về nước. Trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp các ban ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật Việt bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp, đồng thời tham vấn Ban Thư ký Công ước 1970 của UNESCO về danh mục, xây dựng cơ sở tìm kiếm, hồi hương cổ vật.

Hành trình hồi hương ấn vàng nhận sự quan tâm lớn của công chúng, sau khi nhà đấu giá Millon của Pháp chào bán ấn với mức 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng), hồi tháng 10/2022.

Sau quá trình xác minh, Cục Di sản văn hóa khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo là thật. Các cơ quan chức năng mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa ấn về nước. Phương án khác được đưa ra là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng.

le-chuye-n-giao-a-n-va-ng-jpeg-8639-1700239041-1-.jpg
Một số đại biểu dự Lễ chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đứng thứ ba từ phải sang), bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản văn hóa (trái). (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)

Ông Nguyễn Thế Hồng, người sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.

Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.

Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).

14 sự kiện còn lại trải dài các lĩnh vực thể thao, văn hóa, du lịch, gia đình.

Lĩnh vực thể thao, các sự kiện được chọn là: Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp khi thi đấu ở nước ngoài tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 32; Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup; Bắn súng Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games; Nguyễn Thị Thật vô địch châu Á, giành suất tham dự Olympic Paris 2024.

Ngành văn hóa gồm các sự kiện: Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Lần đầu tổ chức sự kiện Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc; Công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật, Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO; Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại Lai Châu.

Lĩnh vực du lịch, ban tổ chức lựa chọn bốn sự kiện: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

hinh-anh-05-12-2023-luc-15.22.jpeg
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch ngày 15/3 và Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Ngày 14/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực.

Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Du lịch Thế giới năm 2023. Trong đó, lần thứ tư Việt Nam được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; lần thứ năm được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
15 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2023