Có hiệu lực từ 1/7/2020, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vừa được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới. Có tới 15 lĩnh vực có các thông tin nằm trong danh mục bí mật nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
15 lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước
Theo đó, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. 15 lĩnh vực gồm: Chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập pháp, tư pháp; kinh tế; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế... đều có các thông tin nằm trong danh mục bí mật nhà nước.
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin mật. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì chiến lược, kế hoạch bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia; tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng Cơ yếu; công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia... cũng không được công khai.
Bên cạnh đó, danh mục thông tin mật còn gồm các thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; thông tin về chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen và quy hoạch vùng trồng dược liệu quý hiếm.
Nhiều nội dung khác cũng là thông tin bí mật gồm chiến lược, kế hoạch, đề án về hoạt động lập pháp, tư pháp; thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với các nước, tổ chức quốc tế; thông tin về lĩnh vực tài nguyên nước; môi trường; địa chất, khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; đất đai; biển, hải đảo...
Báo cáo giải trình tiếp thu, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Trước khi thông qua dự án luật này, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những hình thức chủ yếu để lộ bí mật nhà nước là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước chưa được quy định chặt chẽ, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng khai thác khi tiếp cận thông tin có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các hoạt động này.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu thiết kế thành 2 Điều: Điều 17 về “Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam” và Điều 18 về “Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước”.
Nội dung 2 điều luật này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc một số quy định, quy chế hiện hành của Đảng và Nhà nước về quản lý bí mật nhà nước, về tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các yêu cầu phải bảo đảm bí mật Nhà nước trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước.
Về phạm vi bí mật nhà nước: Luật quy định cụ thể những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong từng lĩnh vực phải là những thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc (Điều 7). Nội dung điều luật này được xây dựng trên cơ sở phân loại lĩnh vực theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu rà soát nội dung bí mật nhà nước tại 96 Danh mục bí mật nhà nước hiện hành trong các lĩnh vực của các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt khác, trong khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nội dung điều luật này cũng đã gửi xin ý kiến 39 bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương có liên quan trực tiếp đến việc lập danh mục bí mật Nhà nước.
Về phân loại bí mật Nhà nước, điều luật được thiết kế thành 3 cấp độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật” theo từng lĩnh vực quy định tại Điều 7 cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay như nội dung Điều 8 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Trên cơ sở đó, để bảo đảm linh hoạt và rõ chủ thể chịu trách nhiệm, Điều 9 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước để quy định các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước theo từng độ mật làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức tạo ra thông tin bí mật nhà nước quyết định độ mật của bí mật nhà nước, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cho biết.
Quy định về việc giải mật
Theo quy định của Luật, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật (bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia) là 30 năm.
Thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ tối mật (bí mật nhà nước nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng) là 20 năm. Còn thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ mật (bí mật Nhà nước nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng) là 10 năm. Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần khi đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế; hoặc không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Theo giải trình của UBTVQH thì đây là nội dung mới, được thể hiện trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định cơ bản phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là tối đa hay tối thiểu; trong thời gian này cần tiến hành giải mật, tăng độ mật thì thực hiện thế nào; đề nghị bổ sung quy định xác định thời hạn đối với bí mật nhà nước được tăng, giảm độ mật…Theo UBTVQH lý giải thì thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định trong dự thảo Luật là thời hạn áp dụng chung đối với tất cả bí mật nhà nước ở cùng một độ mật để bảo đảm thống nhất trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước, tránh trường hợp tự quyết định thời hạn bảo vệ dài hoặc ngắn theo ý chí chủ quan của người quản lý bí mật nhà nước. Trong thời hạn bảo vệ, căn cứ vào các quy định về gia hạn, giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước, cơ quan hoặc người có thẩm quyền sẽ quyết định việc gia hạn, giải mật hoặc tiêu hủy bí mật nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp giải mật vì có những trường hợp văn bản mật đương nhiên hết mật nhưng lại chưa được giải mật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định giải mật đối với loại thông tin, tài liệu chỉ phải giữ bí mật trong một thời điểm nhất định; bổ sung quy định về giải mật khi bí mật nhà nước đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân công bố công khai...
UBTVQH cho biết đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể, rõ hơn đối với những trường hợp đương nhiên giải mật, những trường hợp phải thành lập Hội đồng giải mật để xem xét, đánh giá và quyết định giải mật. Đó là: Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về sự kiện, hoạt động có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này và phải xác định cụ thể tại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về địa điểm kết thúc khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không sử dụng địa điểm đó để chứa bí mật nhà nước.