Sáng nay 6/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được nâng cấp từ Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã có hơn 13 năm.
Tổng đài 111 là nơi tiếp nhận các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em đã chính thức được kết nối trên cả nước. Tổng đài sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin tố giác và kịp thời có biện pháp can thiệp để bảo vệ trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Lễ khai trương tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.
Phát biểu tại Lễ khai trương, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em”.
Ông Dung nhấn mạnh: “Cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em...”.
Đồng thời, cũng tại buổi Lễ khai trương, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã thảo luận Kế hoạch hoạt động năm 2018 và đã thống nhất một số nội dung nhiệm vụ cơ bản sau đây:
1. Tập trung chỉ đạo việc phối hợp, điều hòa giữa các bộ, ngành, tổ chức, và các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu của các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương và các cơ sở theo quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đảm bảo xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em, tạo điều kiện mọi trẻ em thực hiện các quyền cơ bản là: Quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia.
2. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.
3. Triển khai các hoạt động liên ngành tăng cường thực hiện các Chỉ thị số 17 năm 2016 và Chỉ thị số 18 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống đuối nước trẻ em và phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em.
4. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm thực hiện Công ước về quyền trẻ em và những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với báo cáo định kỳ thực hiện Công ước của Việt Nam.
5. Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, đặc biệt các quy định về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp kịp thời các trường hơp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Nghiêm túc thực hiện báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân về kết quả thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em hàng năm.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông trong phổ biến tri thức, tư vấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em.