Chiều ngày 9/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chính thức 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2019.
Theo Bộ VH-TT-DL, Ban Tổ chức đã nhận được 39 hồ sơ đề cử sự kiện từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó lĩnh vực văn hóa: 21 hồ sơ đề cử; Lĩnh vực thể thao: 11 hồ sơ đề cử; Lĩnh vực du lịch: 7 hồ sơ đề cử.
Trên cơ sở hồ sơ đề cử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng hợp, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, lựa chọn 15 sự kiện tiêu biểu giới thiệu bình chọn dưới hai hình thức: Tại địa chỉ: https://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn, thời gian bình chọn 5 ngày (từ ngày 2-1 đến 6-1-2020) với sự tham gia của toàn thể độc giả trên toàn quốc và tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 3-1-2020 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội.
Theo tổng hợp kết quả bình chọn, danh sách 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2019 như sau:
1. Luật Thư viện - Động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc.
Ngày 21-11-2019, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện (số 46/2019/QH14). Luật Thư viện được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển.
2. Sự trở lại của “Hồ Thiên Nga” mang dấu ấn nghệ sĩ Việt sau 35 năm.
Sự trở lại của "Hồ Thiên Nga" mang dấn ấn nghệ sĩ Việt sau 35 năm do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng. Vở diễn đã tạo "cơn sốt" khi 7 đêm diễn đều "cháy vé"
3. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thực hành hát then được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi danh. Điều này chứng minh sự giàu có và phong phú của di sản văn hoá dân tộc.
4. Tôn vinh 100 năm Nghệ thuật sân khấu cải lương.
Sân khấu cải lương đã trải qua 100 năm hình thành và phát triển, chinh phục được đông đảo công chúng cả trong và ngoài nước bởi sự độc đáo của loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc người dân Nam Bộ.
5. Đoàn thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc, xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30).
SEA Games 30 diễn ra tại Philippines, đoàn thể thao nước nhà đã xuất sắc giành tất cả 287 huy chương, trong đó có 98 Huy chương Vàng ở tất cả các bộ môn, xếp thứ 2 tại SEA Games 30, vượt xa mục tiêu mà chúng ta đặt ra trước khi lên đường tham dự kỳ Đại hội thể thao này. Thành công tại SEA Games 30 góp phần khẳng định thể thao Việt Nam có đủ cả tâm lẫn lực để vượt ra khỏi tầm khu vực, vươn tới những đích xa hơn đó là châu lục và thế giới.
6. Thành tích ấn tượng của môn bóng đá trên đấu trường khu vực Đông Nam Á.
Tại SEA Games 30, sau hàng chục năm chờ đợi, đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã thi đấu quả cảm, xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh để mang về tấm Huy chương Vàng lịch sử. Cùng với đó, đội tuyển bóng đá nữ cũng lần thứ 6 giành Huy chương Vàng tại SEA Games. Với thành tích của môn thể thao vua, người hâm mộ đã trải qua những phút thi đấu nghẹt thở, được sống trong không khí của một lễ hội bóng đá thực sự với những cảm xúc thiêng liêng, trong niềm vui sướng, hân hoan, tự hào về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Bóng đá Nam lần đầu tiên giành HCV Sea Games sau 60 năm
7. Việt Nam chính thức là nước thứ 22 trên thế giới đăng cai Giải đua xe công thức 1 (F1).
Đua xe F1 là sự kiện được chờ đợi năm 2020
8. Du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019.
Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Với kết quả trên, Du lịch Việt Nam đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020) và vượt chỉ tiêu 80% so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đạt từ 10 - 10,5 triệu khách quốc tế vào năm 2020.
Du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, một con số kỷ lục
9. Điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và châu lục.
Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards -WTA) lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam đã được tôn vinh tại 4 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á.
10. Việt Nam chủ trì thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019.
Sau 10 năm kể từ 2009, đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai và chủ trì thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, diễn ra từ ngày 14 đến 18-1-2019 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Diễn đàn đã thu hút trên 2.000 đại biểu đến từ các nước ASEAN và các nước đối tác, các tổ chức quốc tế.