Từ ngày 1/1/2016, hàng loạt các luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hộ tịch, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nghĩa vụ quân sự…
1. Luật Nghĩa vụ quân sự 2015
Luật này quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, có nhiều điểm mới so với trước đây như quy định về công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự; quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự; đối tượng được miễn đăng ký NVQS; đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ; đối tượng được miễn gọi nhập ngũ. Thời gian tại ngũ trong thời bình là 24 tháng (trước đây quy định thời gian này là 18 tháng).
Thanh niên náo nức lên đường nhập ngũ
Về độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; trường hợp công dân là sinh viên được đào tạo trình độ cao đẳng hoặc đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (theo quy định cũ độ tuổi gọi nhập ngũ là từ 18 đến 25 tuổi).
2. Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Luật mới đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc: bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài. Về bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hưởng thấp hơn sau 180 ngày ốm đau dài ngày thấp nhất là 50% thay vì 45% như hiện nay. Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở… Bên cạnh đó, Luật mới còn bổ sung chế độ thai sản, đảm bảo bình đẳng khi tham gia bảo hiểm xã hội.
3. Luật Căn cước công dân 2014
Luật này quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng Thẻ căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cũng từ năm 2016 cùng với việc có hiệu lực của Luật, Chứng minh nhân dân sẽ được thay thế bằng Thẻ căn cước công dân.
So với Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân sẽ không có mục ghi dân tộc và tên gọi khác. Luật Căn cước công dân quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp Thẻ căn cước công dân để đảm bảo tính ổn định của các thông tin về nhận dạng của công dân đã được quy định trong luật. Thẻ căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước của công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Luật Hộ tịch 2014
Luật Hộ tịch quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, Luật nuôi con nuôi, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Việc quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được coi là một bước đột phá của Luật Hộ tịch để hướng đến Chính phủ điện tử. Theo đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch là tài sản quốc gia, lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mọi cá nhân đã đăng ký, làm cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, phục vụ yêu cầu tra cứu thông tin, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Quy định về hộ tịch có nhiều đổi mới đột phá
Có thể nói rằng, Luật Hộ tịch ra đời đã tạo bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
5. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015
Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Ngày 19/6/2015, Quốc hội đã thông qua luật này tại Kỳ họp thứ 9 với tỷ lệ phiếu tán thành là 85,22%. Luật quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND, tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp.
Đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc được mở rộng
6. Luật Tổ chức Chính phủ 2015
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015.
7. Luật Kiểm toán Nhà nước 2015
Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên Nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán Nhà nước.
Luật KTNN năm 2015 có nhiều điểm mới so với Luật KTNN năm 2005, gồm 9 chương, 73 điều, so với Luật KTNN năm 2005 tăng một chương; bổ sung 11 điều, bỏ 14 điều, hầu hết các điều khoản khác đều được sửa đổi. Căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật KTNN năm 2015 quán triệt tinh thần: Ở đâu có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì ở đó đều cần phải được kiểm toán.
8. Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) 2015
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và để phù hợp với tình hình mới. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) gồm 8 chương, 41 điều (tăng thêm 4 chương, 23 điều) và được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành. Luật quy định về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước, nhân dân và các tổ chức; điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
9. Luật Tổ chức Quốc hội 2014
Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau. Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Luật cũng quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người; quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất từ 35% tổng số đại biểu Quốc hội.
10. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) 2014
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) 2014 được Quốc hội ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12. Trong đó đáng chú ý là quy định về thuế suất đối với 17 hàng hóa dịch vụ.
Điểm mới đáng lưu ý trong Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này và các văn bản hướng dẫn thực hiện là quy định về giá tính thuế đối với các mặt hàng được liên kết, hợp tác sản xuất giữa các cơ sở kinh doanh dưới hình thức các hợp đồng gia công hoặc hợp tác kinh doanh kèm theo các điều khoản uỷ nhiệm.