Gia Lai: Hiệu trưởng trường mầm non bị tố “cắt xén” tiền và lạm quyền

Nhật Khánh- Thùy Dung| 21/03/2017 19:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý nhận được đơn của tập thể giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc tố cáo Hiệu trưởng nhà trường có nhiều sai phạm.

Hiệu trưởng có lạm quyền?

Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Công lý của tập thể giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc nêu rõ:

Tiền ăn của học sinh bán trú bị cắt xén rõ ràng khi so phiếu mua thực phẩm hàng ngày và hóa đơn đi chợ của nhà trường khi công khai tài chính. Cụ thể: thực đơn ngày 22/2/2017 tổng số là 70 em x 15.000/em/ngày = 1.050.000 đồng nhưng thực tế phiếu đi chợ chỉ có tổng cộng 488.000 đồng chưa tính tiền gas, gạo, gia vị...

Việc nhận đồ dùng cho học sinh bán trú, giáo viên chưa bao giờ nhận đúng như những gì nhà trường kê ra, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức quy định của nhà trường; về việc thu tiền ăn của các em học sinh, giáo viên chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở phụ huynh giúp cho việc thu chi nhanh nhưng bà Hiệu trưởng đã tự ra quy định của nhà trường nếu giáo viên nào không thu được tiền của học sinh thì sẽ tiến hành trừ lương của giáo viên đó.

Không chỉ vậy, trong hợp đồng trả lương cho cô nuôi (nhà bếp) không đúng như hợp đồng đã ký và thấp hơn nhiều so với hợp đồng. Đặc biệt theo quy định của ngành giáo dục, nghiêm cấm dạy chữ trước cho học sinh dưới 5 tuổi, không được viết trên vở 5 ô li nhưng bà Hiệu trưởng vẫn chỉ định giáo viên dạy cho học sinh viết chữ trên vở 5 ô ly; mỗi năm trường đều thu tiền xây dựng cơ sở vật chất nhưng việc trang bị rất nhỏ giọt so với mức thu học sinh mới 200 ngàn đồng/học sinh, học sinh cũ 100 ngàn đồng/1học sinh.

Cuộc sống của giáo viên có nhiều khó khăn nhưng khi có nhu cầu vay vốn, Hiệu trưởng đã quán triệt giáo viên phải vay ở một ngân hàng và không ký cho giáo viên nếu vay ở ngân hàng khác. Mặt khác trong nhiều cuộc họp bà Hiệu trưởng luôn dùng từ ngữ khó nghe để xúc phạm giáo viên .... Thậm chí, trường không có tạp vụ nhưng khi công khai thì lại có trả lương cho tạp vụ. 

Gia Lai: Hiệu trưởng trường mầm non bị tố “cắt xén” tiền  và lạm quyền

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với bà Đỗ Thị Hảo- Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Ngọc về những vấn đề nêu trên, bà Hảo khẳng định mình làm đúng và không sai nguyên tắc.

Tuy nhiên khi phóng viên đưa ra một số vấn đề như: việc quy định trừ lương giáo viên khi không thu được tiền của học sinh thì có hay không và đúng quy định của ngành giáo dục không? Bà Hảo trả lời quy định đó là do bà tự đưa để răn đe giáo viên biết trách nhiệm của mình chứ chưa bao giờ trừ lương cũng như ngành giáo dục không hề có quy định ấy(!)

Còn về trường hợp cô nuôi (nhà bếp), bà Hảo cam đoan luôn trả lương đúng quy định hợp đồng chứ không hề có chuyện như trong đơn tố cáo. Thậm chí bà còn lấy lương của mình cho nhà bếp ứng trước khi chưa thu đủ tiền ăn của học sinh.

Đối với việc dạy chữ cho học sinh dưới 5 tuổi và cho học sinh viết chữ trên vở 5 ô ly là hoàn toàn không có. Riêng nội dung vay vốn ngân hàng, bà Hảo cho rằng sở dĩ quán triệt như vậy là do ở trường có một số giáo viên hoàn cảnh rất khó khăn, con cái nheo nhóc nên sợ họ không có khả năng chi trả, mới quán triệt như vậy và khi nào họ vay, trả xong hết bà mới ký lại cho với điều kiện chỉ vay một ngân hàng do bà quy định.

Về vấn đề giáo viên tố cáo cô hiệu trưởng thường xuyên xúc phạm, mắng chửi giáo viên và gây áp lực cho họ, bà hiệu trưởng hoàn toàn phủ nhận.

Ngoài ra bà Hảo còn cung cấp cho phóng viên một số hóa đơn chứng từ liên quan, sau khi đối chiếu với những bằng chứng PV có được chúng tôi phát hiện những bất cập, khập khiễng.

So với phiếu giao nhà bếp mua thực phẩm hàng ngày và hóa đơn đi chợ của nhà trường thì có sự chênh lệch đáng kể, cụ thể ngày 22 và 28/2/2017, khi so phiếu thì cả hai cái chênh nhau đến gấp đôi, như tiền thịt trong hóa đơn nhà trường ngày 22 là 5kg thịt x 85.000/kg =425.000 đồng (trong khi đó phiếu đi chợ của nhà bếp tổng tiền thịt chỉ 200.000 đồng). Ngày 28/2, hóa đơn mua thịt là 5,9kg thịt x 85.000/kg= 501.500 đồng, nhưng thực tế phiếu đi chợ chỉ 200.000 đồng tiền thịt đưa cho nhà bếp đi chợ (kèm theo phiếu đi chợ và video clip thực tế trong ngày 28/2/2017).

Trước những “khập khiễng” mà PV đưa ra, bà Hảo vẫn giữ nguyên quan điểm của mình là không biết và mọi việc bà làm đều đúng quy định.

Về phần đồ dùng học sinh bán trú khi so sánh các chứng từ giữa việc giáo viên ký nhận và hóa đơn nhập kho, xuất kho cũng có nhiều điều khó hiểu. Trong sổ ký nhận của giáo viên, tuy có các hạng mục nhưng không có chữ ký của các giáo viên khi nhận đồ, cũng như có tháng có chữ ký của giáo viên nhưng trong hạng mục đã nhập kho thì thiếu khi giao cho giáo viên. 

Để rõ hơn về nội dung vụ việc được nêu trong đơn, phóng viên đã trao đổi với một số giáo viên về việc cấp phát đồ dùng cho học sinh bán trú thì được các cô cho biết, có tháng nhà trường phát 1 lần, có tháng 2 lần gồm có “giấy vệ sinh, vim, nước lau nhà, xà phòng rửa tay”.

Việc trừ tiền lương giáo viên, các cô giáo cho biết trong cuộc họp hội đồng nhà trường và bà Hiệu trưởng có đưa ra quy định đó, trong đó cô D., cô L. cho biết thêm, “năm đầu tiên về công tác là năm 2014 và năm học 2014-2015, cô Hảo cũng có ra quy định đó và chúng tôi cũng đã bị trừ lương một lần”.

Làm rõ hơn về vấn đề cô nuôi (nhà bếp), cô N. cho biết, đã làm việc ở đây mấy năm nhưng chẳng khi nào nhận được lương đều đặn và số tiền cô nhận được thấp hơn nhiều so với hợp đồng cô đã ký với nhà trường.

Liên quan đến sự việc này bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó trưởng phòng GD&ĐT Tp.Pleiku cho biết: "Về vấn đề tiền ăn cho học sinh được quản lý qua phần mềm nên không thể sai được việc này để xem lại".

Về tiền mua đồ dùng, tiền lương trả cho cô cấp dưỡng thì đây là trường công lập có bán trú thì thu bù chi nên kinh phí tự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh và phòng Giáo dục không chỉ đạo kể cả việc trừ lương giáo viên nếu không thu được tiền ăn của trẻ.

Bà Thoa khẳng định “đây không phải quy định của phòng mà chỉ là quy định của cá nhân cô Hảo tự đề ra”, đồng thời vị Phó trưởng phòng cũng cho biết việc trừ lương giáo viên là không đúng. Về các sai phạm mà tập thể giáo viên tố cáo, bà Thoa cho biết đã nắm rõ và sẽ xác minh sự việc trên.

Được biết sau khi phóng viên làm việc trực tiếp, kế toán và BGH nhà trường đã liên tục đưa rất nhiều giấy tờ cho nhà bếp ký, nhưng nhà bếp không ký vì có nhiều việc không đúng sự thật nhất là về các phiếu mua thực phẩm hàng ngày.

Ngoài ra, sau khi PV xuống làm việc trực tiếp với nhà trường, Hiệu trưởng Hảo đã tự ra quy định không cho bất cứ ai vào trường khi cô không có mặt và kể cả phóng viên báo chí(!).

Để làm rõ những sai phạm tại trường Mầm non Tuổi Ngọc theo tố cáo của tập thể giáo viên, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh qua đó cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Hiệu trưởng trường mầm non bị tố “cắt xén” tiền và lạm quyền