Nhận diện khó khăn để giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT

Lan Trần| 22/10/2017 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu cán bộ trong ngành nghiêm túc tiếp thu các ý kiến từ ngành y và cùng ngành y bàn bạc, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT.

Bức tranh chung về tình hình khám chữa bệnh BHYT đã được ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc – (BHXH Việt Nam) nêu ra tại Hội nghị tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT khu vực phía Bắc do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây.

Nhận diện khó khăn để giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT

Ảnh minh họa

Cụ thể, những con số 9 tháng đầu năm cho thấy, có sự gia tăng lượt khám bệnh bất thường. 9 tháng của năm 2017 đã có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi 71,325 tỷ. Đáng lưu ý khi nhiều tỉnh chi vượt quỹ cao trên 170%: Quảng Nam chi 202% quỹ, Nghệ An chi vượt 140%; Quảng Trị 136%. Các tỉnh phía bắc có mức chi cao hơn các tỉnh phía nam.

Ông Tuấn cho biết nhiều cơ sở y tế tránh vượt trần bằng cách chia nhỏ ngày điều trị, tính thêm ngày giường bệnh nhân ra viện; Giá dịch vụ y tế, mua sắm vật tư y tế chưa hợp lý; chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết; thanh toán sai quy định;… Có tình trạng đổi tên dịch vụ kỹ thuật, phương pháp phẫu thuật để thanh toán giá cao: phẫu thuật cắt ruột thừa đổi thành phẫu thuật cắt ruột thừa có viêm phúc mạc; cắt u buồng trứng thành cắt u buồng trứng cắm sâu trong tiểu khung; phẫu thuật nội soi đổi thành mổ mở vv... Giám định 5 BV lớn ở Hà Nội còn cho thấy các BV này đã tách các dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 5,33 tỷ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỷ đồng.

Đặc biệt, dịch vụ kỹ thuật nội soi tai mũi họng đang được chỉ định bất thường khi  bệnh nhân viêm bờ mi, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm mũi, đục thủy tinh thể … đều được chỉ định nội soi tai mũi họng. Điều này do lợi nhuận cao: giá xây dựng là 171.000 đồng nhưng thanh toán là 202.000 đồng. Quỹ BHYT đang phải chi cho dịch vụ này tới 410 tỷ đồng. Nếu điều chỉnh lại giá thanh toán, có thể tiết kiệm được 104 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập đang đặt ra trong công tác khám chữa bệnh BHYT hiện nay như: giao quỹ BHYT cho địa phương; số lượt khám, chữa bệnh quá mức; kê thêm giường bệnh; số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng; bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và xét nghiệm cao hơn bình thường... Trong đó có tình trạng: trước khi tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện chỉ có 1.000 giường, sau khi tăng giá viện phí, số giường tại bệnh viện tăng lên đến 1.500 đến 1.600 giường, trước khi tăng giá viện phí, bệnh nhân chỉ nằm viện có 5 ngày còn sau khi tăng giá viện phí, bệnh nhân mắc bệnh đó lại nằm viện đến 7 ngày…

Phân tích thêm về nguyên nhân tăng chi từ quỹ BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng trước hết là do tăng chi phí khám chữa bệnh lên 30-33%, bên cạnh đó mức đóng  BHYT hiện nay của chúng ta là thấp trong khi mức hưởng cao và không có mức trần nên “không tăng mới là lạ”. Ngoài ra, hiện nay trong tổng số tỷ lệ bao phủ BHYT của nước ta có đến hơn 30% do ngân sách nhà nước chi trả và khá nhiều người dân còn chưa có ý thức tham gia BHYT...

Cũng theo ông Lợi, việc thiếu tính hướng dẫn đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật như phân hạng bệnh viện, định mức bác sĩ khám bệnh... cũng là một yếu tố nữa dẫn đến việc tăng chi từ quỹ BHYT. Bên cạnh đó, do thực hiện cơ chế tự chủ nên nhiều địa phương đã cắt ngân sách khiến các BV không có nguồn thu dẫn đến tình trạng bệnh viện phải lách để có kinh phí hoạt động, chi trả thêm cho cán bộ y bác sĩ... Ông Lợi cũng đề nghị ngành tế cần xem lại những tồn tại về văn bản chính sách để sớm điều chỉnh cho phù hợp và luôn luôn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần phục vụ người bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa hai bên thời gian qua cần được đánh giá thấu đáo. “Điều quan trọng là chúng ta cần dũng cảm để nhìn nhận những khiếm khuyết để tháo gỡ khó khăn, hướng đến mục tiêu chung”, bà Minh nhấn mạnh.

Tổng giám đốc BHXH nhìn nhận ngành y tế đảm đương trọng trách quan trọng, có trách nhiệm rất lớn trong sức khỏe nhân dân trong khi nguồn lực hạn hẹp. Còn BHXH giữ quỹ nhưng nguồn lực cũng có hạn, trong khi phải làm sao để quản lý quỹ một cách có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và đây là mục tiêu quan trọng nhất. Do đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu các cán bộ BHXH nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của ngành y tế, cái gì là lỗi thì sửa ngay, cái gì không thuyết phục, không chuẩn thì sớm nắn chỉnh lại và cũng bàn thảo, tìm giải pháp để có sự đồng thuận trong tháo gỡ khó khăn với phương châm tất cả vì quyền lợi của người bệnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhận diện thực trạng hiện nay, có một số chính sách, Luật còn vướng, gây khó khăn cho cả ngành Y tế, BHXH và đề nghị ngành y tế sớm ban hành, chỉnh sửa cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cả hai bên trong quá trình làm việc...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết để giải quyết các bất cập liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế hiện đang sửa đổi, điều chỉnh lại các Thông tư và văn bản khác liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, về đào tạo liên tục cũng như chứng chỉ hành nghề. Đồng thời trong tuần tới, ngành y tế sẽ ra văn bản hướng dẫn về ngày kê giường, bàn khám; ban hành thông tư về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến xã trong đó có khám chữa bệnh BHYT... để nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện khó khăn để giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT