Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Mạnh Hùng (thực hiện)| 21/06/2019 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên đề cập nội dung trên trong buổi trò chuyện với PV Báo Công lý nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019).

PV: Ông có thể chia sẻ suy nghĩ về vai trò của báo chí cách mạng trong thời đại hiện nay với việc tuyên truyền ở lĩnh vực tư pháp, pháp đình?

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên: Có thể khẳng định,báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhân dân, trong suốt 94 năm qua kể từ số Báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng nội dung, phong phú và đa dạng về hình thức... góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Trong những năm qua, như PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã khẳng định “Báo chí đã kịp thời thông tin những vấn đề hệ trọng của đất nước, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; tiếp tục phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, giá trị nhân văn mới; các điển hình tiên tiến, các tập thể và cá nhân trong các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội… đặc biệt là chú ý tuyên truyền và nhân rộng những tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, báo chí cũng đã tích cực phát hiện, phê phán các hành vi tiêu cực, thoái hóa, biến chất, tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; các tệ nạn xã hội… đang là những vấn đề bức xúc gây lo lắng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần làm lành mạnh đời sống xã hội…”.

Nói về lĩnh vực tư pháp, pháp đình, có thể thấy báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng pháp luật, nổi bật như việc tham gia của báo chí trong quá trình xây dựng, sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 cả về phần chung và phần riêng. Để góp ý vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự thì từ người dân, các cán bộ tư pháp, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức đều đã thông qua báo chí phát biểu ý kiến và nhiều ý kiến đã được đưa ra thảo luận, tiếp thu, hoàn thiện…

Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thẩm phán cao cấp Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh

Đối với lĩnh vực pháp đình, báo chí cũng đã có những thông tin kịp thời về các phiên tòa mà dư luận xã hội quan tâm như các đại án tham nhũng đã xét xử trong thời gian qua, với sự tham gia của báo chí đã góp phần giúp cho việc xét xử được nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật như vụ Nguyễn Khắc Thủy, vụ Hồ Phương Nga…

PV: Bản thân ông có cảm thấy sẵn sàng chia sẻ quan điểm về chuyên môn hay một thực trạng xã hội nào đó với phóng viên không? Bên cạnh đó, theo ông, vấn đề tư pháp, pháp đình cần tuyên truyền đến người dân nhất hiện nay là gì?

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên: Đối với bản thân tôi, tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí và thấy rằng, báo chí đã có nhiều bài viết bổ ích liên quan đến vấn đề chuyên môn, đặc biệt là các bài viết trao đổi về nghiệp vụ cũng như các vấn đề bất cập từ những quy định của các bộ luật mà thông qua thực tiễn xét xử các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án đã nêu, cũng như rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học đã bình luận về những vướng mắc, bất cập đó và được báo chí đăng tải bình luận. Theo tôi, đây là một kênh hết sức quan trọng để có những hướng dẫn áp dụng thống nhất trong các cơ quan tố tụng nói chung và hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng.

Vai trò của báo chí trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cũng có những trường hợp đưa thông tin sai sự thật, bóp méo thông tin dẫn đến nhận thức của người dân bị sai lệch, gây áp lực không nhỏ lên Hội đồng xét xử như có những vụ án khi mới bị phát hiện, thì có những phóng viên đã có những bình luận, thậm chí làm thay cả công việc của các cơ quan tố tụng như bình luận về tội danh, khung hình phạt… Đây cũng là áp lực không nhỏ đối với các Thẩm phán trong hoạt động xét xử.

Như chúng ta biết, hiện các Thẩm phán vô cùng vất vả vì lượng án ngày càng nhiều và tính phức tạp ngày càng cao nhưng biên chế lại phải tinh giản dẫn đến nhiều Thẩm phán không chịu nổi áp lực đã xin chuyển ngành hoặc xin thôi việc. Chính vì vậy, tôi rất mong và kỳ vọng các phóng viên, báo chí khi đưa tin về vấn đề tư pháp, pháp đình thì ngoài việc đưa tin kịp thời cần phải có tính khách quan hơn, đưa tin đúng sự thật, tránh bình luận mang tính thổi phồng, có sự chia sẻ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói chung và đội ngũ Thẩm phán nói riêng.

PV: Cuộc gặp gỡ, trao đổi với phóng viên đáng nhớ nhất mà ông từng có là gì?

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên: Nếu nói về cuộc gặp gỡ đáng nhớ đối với phóng viên thì đó là vào năm 2006,  khi tôi làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Trương Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thực chất, đây là vụ án về giao thông nhưng phía gia đình bị hại không chấp nhận sự thật mà cho rằng đây là vụ án giết người cướp tài sản nên gửi đơn đi khắp nơi và rất đáng buồn trong vụ án này, luật sư cũng tư vấn không đúng dẫn đến gia đình bị hại không chấp nhận kết quả điều tra của cơ quan Công an, báo chí cũng đưa tin dẫn đến dư luận ồn ào, vụ án trở thành phức tạp và cơ quan Công an đã phải khai quật tử thi để giám định.

Sau khi kết thúc phiên tòa, các phóng viên đều trao đổi với tôi và thừa nhận giữa nội dung đơn của gia đình bị hại và thực tế diễn biễn phiên tòa hoàn toàn khác nhau, đều khẳng định tin tưởng vào phán quyết của Hội đồng xét xử và sẽ đưa tin đúng với diễn biến của phiên tòa.

Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Ông Phạm Minh Tuyên trong buổi trò chuyện với PV Báo Công lý

Sau khi có những thông tin của báo chí về sự thật của vụ án thì gia đình bị hại cũng đã chấp nhận sự thật và không có khiếu nại gì khác. Mặc dù sự thật đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, song việc các phóng viên kịp thời đưa tin chính xác, khách quan đã góp phần giải tỏa được những nghi ngờ của người dân khi đọc các bài báo trước đây và có sự đánh giá công tâm về hoạt động của các cơ quan tố tụng nói chung và TAND tỉnh Bắc Ninh nói riêng.

PV: Có ý kiến cho rằng, các cơ quan Nhà nước hiện nay, đặc biệt là các cơ quan tố tụng đang có sự e ngại, giữ khoảng cách với báo chí. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này? Ông chia sẻ về những băn khoăn trong mối quan hệ giữa cơ quan tố tụng và báo chí hiện nay?

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên: Thực chất theo tôi không phải là như vậy, mà ở đây là vấn đề chưa có sự cảm thông với nhau về thời điểm cung cấp thông tin. Ví dụ: Vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì không thể cung cấp thông tin được hay trong giai đoạn xét xử, khi chưa mở phiên tòa thì làm sao Tòa án thông tin được! Chính vì có phóng viên không hiểu đúng về trình tự nên khi không được đáp ứng yêu cầu thì cho rằng các cơ quan tố tụng gây khó dễ, e ngại hoặc là “cách ly” báo chí.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng không hề e ngại khi trao đổi với các phóng viên khi ở thời điểm thích hợp theo đúng quy định. Nếu các phóng viên đưa tin chính xác, đúng với những gì đã trao đổi thì chúng tôi chẳng có gì phải e ngại khi trao đổi với các phóng viên.

PV: Ông cho ý kiến cá nhân ông về những giải pháp, cách thức để sự phối, kết hợp giữa cơ quan tố tụng với việc tuyên truyền thông qua báo chí nhằm mang lại những giá trị thiết thực, nhân văn?

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên: Theo tôi, không có giải pháp gì ngoài sự công khai minh bạch, thẳng thắn khi trao đổi và tôn trọng sự thật, có sự bình luận mang tính xây dựng chứ không chỉ giật tít cho giật gân theo kiểu câu khách. Ví dụ: Như khi Bắc Ninh xử vụ án Nguyễn Ngọc M, thực chất gần hai năm điều tra chỉ kết luận được M có sự chỉ đạo thu tiền của những người buôn bán ở chợ gỗ do M quản lý chưa đến 200 triệu đồng, song có những bài báo trên mạng giật tít so sánh M với Năm Cam và cho rằng M còn ghê gớm hơn và được coi là “chiếu trên” của Năm Cam dẫn đến dư luận hiểu không đúng về thực chất nội dung của vụ án, nếu là ghê gớm hơn cả Năm Cam thì tại sao Năm Cam bị tử hình mà M chi bị xử 3 năm tù?

Rõ ràng kiểu đưa tin, giật tít như vậy không hề có tính nhân văn, dễ gây hiểu lầm, nghi ngờ trong suy nghĩ của người dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Chúng tôi rất mong các phóng viên khi đưa tin cần tìm hiểu chính xác sự thật của các vụ án cũng như cần có sự chia sẻ với sự vất vả, hy sinh của các cơ quan tố tụng cũng như những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có những bài báo tuyên truyền thiết thực, giúp cho người dân hiểu đúng về chính sách pháp luật của Nhà nước ta.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật