Tòa án nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp

Nam Phương| 14/09/2016 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống TAND đã gắn liền với quá trình hoàn thiện và củng cố bộ máy nhà nước, gắn liền với tiến trình cải cách nền tư pháp quốc gia, nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức

Sau khi ban hành Sắc lệnh số 33-C ngày 13/9/1945 thành lập các Tòa án quân sự, ngày 24/1/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán. Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ về tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở; tổ chức các Toà án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán.

Ngày 9/11/1946, Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Tại Chương VI bản Hiến pháp này quy định về “Cơ quan tư pháp”. Theo đó, Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm có: Toà án tối cao; các Toà án phúc thẩm; các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.

Để đáp ứng công tác xét xử trong hoàn cảnh kháng chiến, ngày 29/12/1946 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức Tư pháp trong tình thế đặc biệt. Bản Thông lệnh này cùng với bản Thông lệnh số 6/NV-CT ngày 28/12/1946 về tổ chức chính quyền trong thời kỳ đặc biệt là những cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động của hệ thống Toà án trong thời kỳ kháng chiến được linh hoạt.

Từ năm 1945 đến năm 1949, chúng ta đã hoàn toàn bãi bỏ Tòa án của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập những Tòa án nhân dân mới, trong đó có Tòa án quân sự, đã đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp mạnh mẽ bọn phản cách mạng.

Từ năm 1950 đến năm 1958 đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về tổ chức và chuyên môn của Tòa án nhân dân, tính nhân dân của Tòa án nhân dân được thể hiện rõ nét cả trong tổ chức và trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân. Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950 quy định tên gọi các Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp nay đổi thành Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Tòa Phúc thẩm, phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân.

Năm 1958 có thể được xem là dấu mốc quan trọng của công cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất. Tại Hội nghị lần thứ 14 Khóa II (tháng 11/1958) Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở. Trong tình hình chung đó, bộ máy Nhà nước nói chung, Toà án nhân dân nói riêng được tăng cường và cải cách thêm một bước mới. Tại kỳ họp lần thứ tám, Quốc hội khóa I, tháng 4/1958, Quốc hội quyết định thành lập Toà án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, tách hệ thống Toà án nhân dân và Viện công tố khỏi Bộ Tư pháp.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo luật này, đơn vị hành chính cấp khu ở đồng bằng và trung du được bãi bỏ. Do đó, ngày 14/8/1959, Chính phủ đã ra Nghị định số 300- TTg tổ chức lại các Toà án nhân dân phúc thẩm, sáp nhập 6 Toà án nhân dân phúc thẩm thành 3 Toà án nhân dân phúc thẩm tại Hà Nội, Hải Phòng và Vinh.

Tòa án nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp

 Ngày 31/11/1959, Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp mới của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (công bố ngày 1/1/1960). Ngày 14/7/1960, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức Toà án nhân dân.

Để kiện toàn Toà án nhân dân các cấp, tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức Toà án nhân dân và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật, ngày 23/3/1961, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về Tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương.

 Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất nhưng chưa thống nhất về mặt Nhà nước, ngày 15/5/1976 Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ban hành sắc luật số 01/SL-76 quy định về Tổ chức TAND và Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Giai đoạn này, Toà án nhân dân ở Việt Nam đã được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương đến huyện, thị xã phù hợp với điều kiện và đặc thù của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội.

Trong tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, bảo đảm tối đa sự tham gia của nhân dân; cụ thể được thể hiện chế độ bầu cử các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Toà án nhân dân các cấp; thực hiện nguyên tắc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử. Tổ chức Toà án nhân dân theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ. Toà án nhân dân thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Điều đó có nghĩa là Nhà nước ta chú trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Căn cứ quy định của Hiến pháp năm 1980, về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được cụ thể hoá bằng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 3/7/1981 và được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22/12/1988.

Bước ngoặt trong lịch sử nền tư pháp quốc gia

Năm 1992, Hiến pháp được sửa đổi. Nhằm giải quyết yêu cầu của thực tiễn, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1993  sửa đổi quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được mở rộng. Tòa án nhân dân đảm nhiệm thêm chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế của hệ thống Trọng tài kinh tế Nhà nước (các cơ quan Trọng tài Kinh tế chấm dứt hoạt động vào tháng 6/1994), giải quyết các tranh chấp trong quan hệ hành chính và lao động. Trong các Tòa án nhân dân được thành lập thêm Tòa chuyên trách là: Tòa Kinh tế, Tòa Lao động và Tòa Hành chính… có nhiệm vụ chuyên trách giải quyết, xét xử các tranh chấp về kinh tế, lao động và hành chính nảy sinh trong xã hội.

Tháng 4/2002 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, thay thế Luật Tổ chức TAND năm 1992, được sửa đổi bổ sung năm 1993 và năm 1995. Theo Luật này, Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Toà án quân sự về mặt tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng (Bộ Tư pháp quản lý Tòa án về tổ chức từ 1981 đến 2002). Đây là một bước cải cách Tư pháp quan trọng đối với hệ thống Tòa án nhân dân.

Kế thừa, phát triển tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị về công tác Tư pháp, ngày 2/6/2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, đã nêu rõ: Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá trong công cuộc cải cách tư pháp”, thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp sâu rộng, cơ bản, thường xuyên và lâu dài nền tư pháp nước nhà.

Cụ thể hóa các Nghị quyết nêu trên của Đảng, Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến, đã quy định rõ tại Điều 102: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”

Cùng với nguyên tắc độc lập xét xử; nguyên tắc suy đoán vô tội; chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo; Hiến pháp năm 2013 còn quy định cụ thể nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (khoản 5 Điều 103); Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo về chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tháng 11/2014, để phù hợp với nội dung Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới. Theo đó, hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân được tổ chức thành 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao; Toà án nhân dân cấp cao; Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cùng với đó là nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, chế độ bổ nhiệm và thi tuyển Thẩm phán cùng các quy định khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiều thay đổi: Từ số lượng 120 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật cũ, nay theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 rút xuống chỉ còn 13 đến 17 người. Quy trình bổ nhiệm cũng có thay đổi cơ bản: Sau khi Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia tuyển chọn và lên danh sách, trải qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều cấp, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn. Căn cứ vào Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Hội đồng Tuyển chọn Thẩm phán mới trình Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.

Ngày 26/6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết đề nghị phê chuẩn của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Như vậy, trong lịch sử lập Hiến, lập nước, lần đầu tiên trong Hiến pháp nước nhà đã quy định rõ: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, thực hiện quyền lực quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp đất nước, một chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội toàn thể xem xét, cân nhắc và phê chuẩn.

Các vị Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lần đầu tiên được Quốc hội phê chuẩn có vị trí, vai trò quan trọng và vị thế hết sức thiêng liêng trước sứ mệnh cầm cân nảy mực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng của xã hội.

Đây là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt trong lịch sử nền tư pháp quốc gia, một bước đổi mới căn bản của hệ thống Tòa án nhân dân trong sự nghiệp củng cố pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, sự đổi mới này là thành tựu to lớn, mang tính lịch sử của Chiến lược cải cách tư pháp suốt mấy chục năm qua theo định hướng của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp