Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Các luật về bồi thường oan sai đã có quy định khá rõ ràng

Mai Thoa| 18/11/2015 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (18/11), trong phiên chất vấn tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) liên quan đến việc bồi thường oan sai trong tố tụng và bồi hoàn tiền do cán bộ, công chức làm sai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Các luật về bồi thường oan sai đã có quy định khá rõ ràng

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch cho biết, trong các luật liên quan đến bồi thường đã có phân biệt khá rõ ràng lỗi nào là do cá nhân Thẩm phán, lỗi nào là do cá nhân nhưng do cố ý, do cá nhân nhưng mà do trình độ, do năng lực; lỗi nào do công tác từ điều tra, truy tố tới xét xử của các cơ quan điều tra, Kiểm sát, Tòa án thì có phân biệt khác nhau.

Luật của chúng ta hiện nay đã quy định như vậy, khi xem xét, xét xử bồi thường, quyết định bồi thường lại do Tòa án, là cơ qua xét xử cuối cùng, là cơ quan thực hiện quyền tư  pháp. Theo luật mới về Tổ chức Tòa án trong đó có việc xét xử việc bồi thường, Tòa án sẽ phân định việc này. Như vậy có thể nói Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện kiểm sát và tới đây chúng ta sắp sửa thông qua Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự đều nói rõ trách niệm của từng chủ thể, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc gây ra oan sai phải bồi thường. Việc xem xét trách nhiệm cá nhân xem xét ở góc độ nếu cố ý làm sai thì không chỉ phải bồi hoàn mà còn bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Chủ tịch nhấn mạnh, “Luật của chúng ta ban hành quy định về lĩnh vực này như vậy là khá đầy đủ, rõ ràng, nên hiện tại chưa cần để xuất với Quốc hội về việc bổ sung Luật này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì đó vướng mắc chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm”.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, ĐB Trần Du Lịch bày tỏ sự hài lòng với phần trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhất là vấn đề về cơ chế bồi thường oan sai, Chủ tịch đã trả lời rất rõ ràng. Theo ĐB Trần Du Lịch, về việc bồi thường, các nước có hai cơ chế: xác định lỗi công vụ và lỗi cá nhân. Lỗi công vụ thì nhà nước phải lấy ngân sách ra để bồi thường, còn lỗi cá nhân, thì người đó phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền mà nhà nước đã lấy ra để bồi thường trước đó. Do đó, để thực hiện tốt điều  này, cần phân định rõ ràng đâu lỗi công vụ, đâu là lỗi cá nhân trong thi hành công vụ. 

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, nhận được 27 câu hỏi chất vấn của 18 ĐB, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu và cho biết sẽ trả lời các ĐB bằng văn bản.

Thủ tướng cho biết, với các chất vấn về tranh chấp chủ quyền, diễn biến phức tạo trên Biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày trước QH về lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước với các vấn đề mà ĐB đã nêu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương của Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, các cam kết DOC, tuyên bố giữa Asean và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Các luật về bồi thường oan sai đã có quy định khá rõ ràng