Hàng tỷ USD có thể "bốc hơi" khỏi Ukraine do thiết quân luật

Bạch Dương| 10/12/2018 15:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nền kinh tế của Ukraine có thể bị thiệt hại hàng tỷ USD do quyết định thiết quân luật sau vụ đụng độ giữa tàu chiến Ukraine và tàu tuần tra Nga hôm 25/11 trên Eo biển Kerch, một nhà lập pháp đảng đối lập của Ukraine nhận định.

Theo Hãng thông tấn Sputnik (Nga), ông Volodymyr Husak, nhà lập pháp của đảng đối lập Ukraine, đã đưa ra nhận định trên trong một phát biểu trên kênh truyền hình Pryamiy (Ukraine) hôm 11/12 (theo giờ địa phương).

"Tôi tin rằng những tổn thất do quyết định thiết quân luật sẽ làm cho nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Ukraine có thể tiêu tốn hàng tỷ đô la", Pryamiy dẫn lời ông Husak.

Trong khi đó, nhà lập pháp này chỉ ra rằng, quy định và giao thức của các nước thường cấm hoạt động mua và bán hàng hóa với quốc gia đang thiết quân luật. “Nhiều doanh nghiệp hiện không thể ký kết hợp đồng”, ông Husak nêu rõ.

Ngày 25/11, Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại Eo biển Kerch, một vùng biển hẹp nối biển Azov với Biển Đen và được cả Nga và Ukraine sử dụng, với cáo buộc các tàu chiến này đã xâm phạm lãnh hải Nga một cách trái phép.

Trong khi đó, phía Hải quân Ukraine cho biết, tàu tuần tra của Nga đã đâm vào một tàu kéo của nước này được 2 tàu chiến nhỏ hộ tống, trước khi nổ súng vào các tàu này và bắt giữ chúng.

Hàng tỷ USD có thể

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn đề xuất thiết quân luật trong 30 ngày của Tổng thống Petro Poroshenko tại 10 khu vực miền Đông sau vụ lực lượng bảo vệ bờ biển Nga nổ súng và bắt giữ ba tàu Hải quân của nước này xâm phạm lãnh hải tại Eo biển Kerch.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sửa đổi quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc ban bố tình trạng chiến tranh tại nước này. Theo đó, thời gian bắt đầu thực thi tình trạng chiến tranh kéo dài 30 ngày, được tính từ 14h00 ngày 26/11 cho đến 14h00 ngày 26/12 tới (theo giờ địa phương), áp dụng tại các tỉnh: Vinhitsa, Lugansk, Nikolev, Sumy, Odessa, Kharkov, Chernigov, Donetsk, Zaporozhie, Kherson và vùng lãnh hải Ukraine trên biển Azov-Kerch.

Ngày 5/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố sự chỉ trích của các nước phương Tây đối với Moscow liên quan tới vụ đụng độ giữa tàu Nga và Ukraine ở Eo biển Kerch không phải là lý do để nước này ngừng các thủ tục pháp lý nhằm vào những đối tượng xâm nhập trái phép khu vực biên giới của Nga.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov cho biết Nga nhiều khả năng sẽ nghiên cứu về việc trao đổi các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ nếu Moscow nhận được những đề xuất như vậy của Ukraine, song Moscow không chắc chắn về phản ứng của Kiev.

Liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine sau vụ đụng độ tại Eo biển Kerch hôm 25/11, trong phát biểu mới nhất ngày 6/12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow không muốn tham gia cuộc chạy đua trừng phạt lẫn nhau với Kiev.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Medvedev nêu rõ Nga không mong muốn kéo dài vô thời hạn căng thẳng hiện nay giữa hai bên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu Ukraine không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của mình, Nga cũng sẽ tiếp tục các hành động đáp trả trừng phạt nước này.

Cũng trong ngày 6/12, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, cho biết, EU mong muốn Nga trả tự do “vô điều kiện và ngay lập tức” cho các tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine bị bắt giữ trong vụ đụng độ trên Biển Đen hôm 25/11.

Phát biểu tại Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lần thứ 25, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, nêu rõ ưu tiên hiện nay của EU là khôi phục an ninh và hợp tác trong khu vực. Do đó, bà Mogherini kêu gọi tất cả các bên liên quan trong căng thẳng tại Biển Azov kiềm chế tối đa để tình hình “xuống thang” ngay lập tức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng tỷ USD có thể "bốc hơi" khỏi Ukraine do thiết quân luật