In cảnh báo lên rượu bia: Tại sao không?

Mạnh Hà| 22/01/2017 14:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, một số tờ báo loan tin, tại Hà Nội vừa có 3 người tử vong do uống rượu quê "giả". Một thông rất đáng quan ngại đúng dịp người Việt tiêu thụ rượu nhiều nhất trong năm.

Dịp Tết lại là cao điểm tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam, đây cũng là dịp tình trạng quá chén xảy ra nhiều. Tuy nhiên trên thực tế, không chỉ có đến Tết mà bia, rượu đã trở thành văn hóa hàng ngày của người Việt Nam.

Ngày 19/10/2015 tại buổi tọa đàm “Tác hại của rượu, bia và giải pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với HealthBridge Canada đã đưa ra con số đáng báo động, thống kê mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ tới hơn 3 tỷ lít bia và gần 68 triệu lít rượu, tương ứng chi phí khoảng 3 tỷ USD/năm.  Đây là một số tiền lãng phí rất lớn, có thể mua được hàng tỷ lít sữa cứu cho hàng triệu trẻ em vẫn còn đang bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam.

Trong khi đó, theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, rượu, bia chiếm thứ tư trong 8 nguy cơ lớn nhất gây bệnh tật ở Việt Nam, gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Thứ đồ uống có cồn này tàn phá sinh mệnh con người một cách âm thầm, tỷ lệ tử vong thậm chí còn nhiều hơn HIV/AIDS.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu, bia khi vào cơ thể chỉ 2-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận; đặc biệt là gan - cơ quan chịu hủy hoại đầu tiên. Đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, khoảng 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể tránh được nếu không sử dụng rượu, bia.

Chưa hết, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam năm 2010 đưa ra, gần 67% người lái xe ô tô và 36% người đi xe máy nhập viện vì tai nạn giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép, 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam xuất phát từ rượu, bia.

Tại Bệnh viện Việt Đức, theo dõi cho thấy nạn nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu chiếm tới 62%. Còn tại Viện Pháp y Quốc gia, xét nghiệm số người tử vong do tai nạn giao thông thì tới 34% có nồng độ cồn.

Như vậy là ngoài tiêu tốn tới 3 tỷ USD mỗi năm để "đốt" cho rượu, bia chuốc bệnh vào người, hàng năm người Việt Nam còn mất đi hàng tỷ USD để chữa bệnh do rượu, bia, nhưng cũng không ngăn được mất thêm hàng vạn sinh mạng do bệnh vì rượu, và do tai nạn giao thông vì rượu.

Những con số thống kê trên đã cho thấy tác hại của thứ đồ uống có cồn này là quá kinh hoàng. Cho dù nếu có một công trình nghiên cứu nào về lợi ích của rượu, bia chăng nữa thì chắc chắn cũng không thể cân bằng được tác hại của nó.

Thế nhưng rõ ràng người Việt Nam có vẻ không mấy quan tâm đến tác hại của rượu, bia, thậm chí lại còn say mê rượu, bia để biến nó trở thành một thứ văn hóa hàng ngày của người Việt.

Bên cạnh rượu, bia là thuốc lá, một mặt hàng vẫn được tiêu thụ hàng ngày, nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất mức độ tiêu thụ chất độc hại này, nhà nước đã có Quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế bắt buộc các nhà sản xuất, cung cấp thuốc lá phải in cảnh báo "Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi" lên vỏ bao thuốc.

Phải thừa nhận rằng việc in cảnh báo này lên mặt hàng thuốc lá thực sự đã làm giảm đáng kể số lượng người hút, số lượng thuốc lá tiêu thụ của người hút hàng ngày, cứu sống được hàng triệu người hút thuốc sẽ tử vong do tiêu thụ quá nhiều khi không được cảnh báo thường xuyên như thế này. Đáng chú ý là thuốc lá lại không có tác hại gây tai nạn giao thông như rượu bia.

Cho nên đã có cơ sở chắc chắn rằng, với những tác hại kinh hoàng của rượu, bia, nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra quy định bắt buộc phải in cảnh báo tác hại của rượu, bia lên nhãn hiệu của mặt hàng này. Và với những lời cảnh báo thường xuyên như: "Uống rượu, bia có thể ung thư gan", "Uống rượu, bia dễ tai nạn giao thông" in trên nhãn hiệu rượu, bia thì văn hóa uống rượu, bia của người Việt sẽ có biến chuyển tích cực hơn, cứu sống hàng triệu tính mạng người Việt và cứu vãn được cả sự xuống dốc trong lối sống hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
In cảnh báo lên rượu bia: Tại sao không?