Bảo tàng nào trưng bày sự lãng phí?

Biên Thùy| 10/09/2017 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Xây dựng mới đây đã có Công văn "kêu khó" lên Thủ tướng về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với số kinh phí lên đến 11.277 tỷ đồng.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng từ năm 2006 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Bộ Xây dựng được Chính phủ giao làm chủ đầu tư. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là chủ quản lý sử dụng và chủ đầu tư dự án thành phần (gồm nội dung và hình thức trưng bày).

Theo như đề án ban đầu thì năm 2010 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Thế nhưng vì nhiều lý do dự án này đã không thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Sau đó, lộ trình xây dựng tiếp tục dời từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng từ tháng 7/2016.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay dự án liên tục phải giãn tiến độ bởi một lý do chính là thiếu tiền.

Bảo tàng nào trưng bày sự lãng phí?

Phối cảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trong bối cảnh đời sống xã hội đang "nóng" bởi nhiều sự kiện như đề xuất tăng thuế, những bất cập tại các trạm BOT thì câu chuyện về cái bảo tàng ngốn kinh phí lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng lâm vào cảnh "đói tiền" khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Bảo tàng không phải là thứ gì hiếm hoi ở nước ta. Hàng trăm cái bảo tàng trên khắp cả nước, tỉnh nào cũng có, nhiều ngành, nhiều nghề cũng đua nhau mở. Nhiều bảo tàng xây dựng hoành tráng, to đẹp nhưng hiện vật trưng bày chỉ đếm trên đầu ngón tay và số khách tới thăm cũng...tương đương số hiện vật.

Không cần tưởng tượng hay tìm ở đâu xa, Bảo tàng Hà Nội nằm chình ình ngay giữa Thủ đô chiếm 50.000m2 vị trí đất vàng, kinh phí xây dựng hơn 2 ngàn tỷ đồng chính là biểu tượng cho sự lãng phí. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, công trình "kim tự tháp ngược" này  luôn "vắng như chùa Bà Đanh" và nằm chờ thời gian phủ rêu phong.

Còn theo đề án xây dựng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một công trình văn hóa hiện đại xứng tầm với lịch sử dân tộc, một bảo tàng lớn nhất Việt Nam.

Công trình có ý nghĩa to lớn về chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp kiến thức về lịch sử, di sản...

Tuy nhiên hãy thử tưởng tượng, đắp hơn 11 ngàn tỷ đồng vào một công trình chưa được khẳng định về hiệu quả có phải là đầu tư "liều mạng". Nếu chúng ta cứ nhắm mắt vung tiền ngân sách một cách đầy hưng phấn và sau đó đắc chí với cái danh kỷ lục thì phải xem lại. Hãy nhìn cái "kim tự tháp ngược" kia có thấy ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải không nào?

Với diện tích sử dụng hơn 10ha, tòa nhà chính rộng 20.000m2, không hiểu chúng ta sẽ trưng bày những gì ở đó. Chẳng có lẽ lại là trống đồng, súng ống, bát đĩa, cuốc xẻng, gốm sứ....y như những bảo tàng khác? Và cách thức nào để thu hút khách du lịch đến đây?

Trong khi đó chúng ta đang thiếu trầm trọng những công trình phúc lợi xã hội. Hãy xem trên đất nước này có bao nhiêu ngôi trường mà học sinh còn ngồi học trong cái lớp xiêu vẹo, dột nát? Có bao nhiêu cái bệnh viện mà bệnh nhân đau lưng nằm đè lên bệnh nhân gãy chân? Có bao nhiêu con sông mà người dân còn bám ròng rọc đạp lên đầu há bá để qua?

Tôi không hi vọng rằng công trình sẽ dừng xây dựng trừ phi có phép màu nhưng lúc này thật sáng suốt nếu 11.277 tỷ đồng được ưu tiên cho vấn đề an sinh xã hội. Chúng ta sẽ xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khi đất nước giàu mạnh hơn, khi chúng ta thực sự phát huy, khai thác được những giá trị của văn hóa, lịch sử dân tộc.

Bảo tàng Quốc gia không phải là một công trình cấp bách nhưng nếu cần thiết có một bảo tàng vào lúc này thì đó chính là bảo tàng dùng để trưng bày sự lãng phí. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng nào trưng bày sự lãng phí?