Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ “Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền”

Thanh Phương| 16/09/2019 19:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/9, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã nhận được văn bản của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về nội dung đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Hằng và 36 công dân trong vụ việc tố cáo lừa đảo đi Đức để chiếm đoạt tài sản.

“Chúng tôi đã nhận được văn bản của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ việc này. Hiện các đơn vị chức năng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để kiểm tra, xác minh, báo cáo Bộ và trả lời công dân”, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa nói.

Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ “Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền”

Chị Hằng tiếp tục gửi đơn mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc

Như Công lý đã phản ánh, theo đơn tố cáo của chị Phạm Thị Hằng (SN 1990, trú tại Khu 6, phường Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa), tháng 4/2017 chị lên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa và có quen với Phạm Thị Hương (SN 1988, trú tại xã Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa). Hương tự giới thiệu đang làm bên quản lý thị trường của tỉnh, có bố là Phạm Thanh Bảo sở hữu nhà hàng lớn bên Cộng hòa liên bang Đức. Từ đó chị Hằng và Hương thường xuyên nói chuyện với nhau qua mạng xã hội.

Tháng 10/2018 hai người gặp lại nhau tại một đám cưới ở Bỉm Sơn. Hương lúc này nói đã chuyển công tác ra Trung ương làm việc và nhà hàng bên Đức của bố Hương đang cần người phục vụ với mức lương 60 triệu/tháng. Chị Hằng nghĩ đây là cơ hội tốt để người quen ra nước ngoài lao động nên nhận lời giới thiệu. Hương hứa sẽ đưa 5 người đi qua Đức làm việc, nếu đóng tiền sớm thì 20/2/2019 sẽ bay. Tất cả hồ sơ, thủ tục đều do Phạm Quang Hạnh (SN 1983, quê Hải Phòng, bạn Hương) giải quyết.

Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ “Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền”

Giấy nhận tiền của Hương ghi rõ mua vé máy bay cho người lao động đi Đức

Phạm Quang Hạnh tiếp tục môi giới có thể đưa người qua Đức làm cơ khí ô tô và điều dưỡng. Sau đó Hương, Hạnh thu tiền và hồ sơ của 32 người, mỗi người phải nộp cho 2 đối tượng này từ 185 đến 243 triệu đồng. Tổng số tiền 37 người nhẹ dạ, cả tin này đưa cho Hương lên tới 7,031 tỷ đồng.

Sau khi có tiền, các đối tượng bắt đầu sử dụng chiêu “câu giờ” với hàng tá lý do như thủ tục cấp visa chậm, chạy bằng B2 tiếng Đức khó khăn để chiếm đoạt tiền. Nhiều lần người dân đòi gắt gao, Hương cùng chồng cam kết trả nợ nhưng đến 28/5/2019 mới trả lại được 2 tỷ đồng, còn nợ hơn 5 tỷ. Vợ chồng Hương thế chấp 3 sổ đỏ ở các nơi nhưng trong đó có 2 sổ giả. Hiện người dân không thể liên lạc được với vợ chồng Hương nên buộc phải gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ “Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền”

Người dân bức xúc, mệt mõi vì đi đòi lại tiền mà không được

Ngày 6/8/2019, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có phiếu hướng dẫn đơn số 1290/PC01 với nội dung: Sau khi xem xét nội dung đơn và tài liệu gửi kèm, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa nhận thấy: Sau khi Phạm Thị Hương không thực hiện đưa người lao động sang Cộng hòa liên bang Đức như đã cam kết, Phạm Thị Hương và các bên đã thống nhất, thỏa thuận trả lại các khoản tiền (thanh toán được một phần tiền). Do đó Phạm Thị Hương nhận tiền của chị Hằng và người lao động là quan hệ dân sự. Đề nghị công dân gửi đơn đến Tòa án nhân dân để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Người dân cho rằng, văn bản trả lời của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa là chưa thỏa đáng, không khách quan vì hành vi của Hương và các đối tượng giúp sức đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan tố tụng Trung ương.

Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ “Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền”

Vợ chồng Hương hứa trả lại tiền nhưng đến nay bặt vô âm tín (ảnh người dân cung cấp)

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật TNHH Trường Lộc) cho biết: Hành vi của Phạm Thị Hương có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Vì trước khi Phạm Thị Hương lấy tiền của các nạn nhân đã tự giả dối giới thiệu là cán bộ, có khả năng đưa được các nạn nhân sang nước Đức để lao động, để các nạn nhân tin tưởng đưa tiền cho Hương. Sau khi bị hại tố cáo, Hương tiếp tục dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa các nạn nhân là mình có khả năng trả lại tiền chứng tỏ người này tiếp tục lừa dối các nạn nhận.

Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.

Theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 20 ngày, trường hợp vụ việc phức tạp thì không quá 2 tháng, cơ quan điều tra phải tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh hành vi lừa đảo của Phạm Thị Hương và những người liên quan, xác minh số tiền của nạn nhân ở đâu, do ai giữ, lấy lời khai của các nhưng người đã cùng đối tượng thực hiện hành vi lừa dối các nạn nhân và lấy tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra ra văn bản xác định là quan hệ dân sự, hướng dẫn chuyển đơn đến Tòa án nhân dân để giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa không khởi tố vụ án, khởi tố bị can là có dấu hiệu để lọt tội phạm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ “Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền”