Chiều 8/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, về lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, từ trước đến ngày 31/3, toàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp vi phạm, đã xử lý 6.945 trường hợp, còn 7.313 trường hợp chưa xử lý.
Nhiều nhất là TP. Quy Nhơn có 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp, còn 2.362 trường hợp. Tiếp theo là huyện Tuy Phước còn 2.027 trường hợp, huyện Tây Sơn còn 275 trường hợp…
Có trường hợp kéo dài nhiều năm, việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương, chưa quyết liệt và hiệu quả.
Số vụ việc được phát hiện và xử lý vi phạm chưa đạt 50% nên không có tác dụng răn đe. Một số điểm nóng vi phạm như: TP. Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Tây Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, thực hiện nghiêm minh, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không được dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào.
Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa, xử lý ngay khi phát hiện vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cần thay đổi nhận thức về công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
“Xác định quan điểm phòng ngừa là chính, thực hiện kiểm tra phát hiện từ sớm, từ xa; xử lý kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, không để vi phạm đến mức tổ chức cưỡng chế theo quy định”, ông Hoàng cho hay.
Theo ông Hoàng, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng.
Kiên quyết cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm pháp luật về đất đai; thu giữ vật dụng, dụng cụ... vi phạm trật tự đô thị; lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
UBND cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh Bình Định, về tình hình quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn quản lý.
Xử lý nghiêm cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc không đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công phụ trách.
Xem xét, xử lý trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và công chức được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm đối với đảng viên, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về trật tự đô thị, trật tự xây dựng tại địa phương.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu, Sở Xây dựng không được để xảy ra trường hợp có công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn nhưng không lập hồ sơ xử lý.
Xử lý nghiêm đối với các dự án có vi phạm trật tự xây dựng mà không khắc phục hậu quả hoặc không chấp hành nộp phạt theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nghiêm túc xem xét trách nhiệm người đứng đầu theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, nếu buông lỏng quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng.
Đánh giá thi đua đối với địa phương, các phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện/phòng Quản lý trật tự đô thị thị xã, thành phố nếu để xảy ra nhiều vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ngoài ra, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý Chủ tịch UBND cấp xã, lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng mà chậm phát hiện, đề xuất xử lý hoặc buông lỏng, dung túng, bao che cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.