Từ việc thu gom, phân loại rác thải, bán phế liệu tạo nguồn thu, các cấp hội phụ nữ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, động viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống.
Với mong muốn vừa bảo vệ môi trường sống vừa hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã chủ động xây dựng, chỉ đạo các chi Hội phụ nữ trên địa bàn toàn xã triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh - Biến rác tái chế thành hoạt động có ý nghĩa”.
“Ngôi nhà xanh” là địa điểm tập kết các loại rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu là các loại chai, lon, vỏ nhựa, bao bóng, giấy và bìa các-tông. Đến cuối tháng, chị em lại cùng nhau phân loại và bán cho các đại lý thu mua phế liệu. Nhờ nguồn tiền kiếm được từ các “Ngôi nhà xanh”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Đạo đã trao tặng được trên 1000 suất quà cho hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chị Trần Thị Hậu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên cho biết: Triển khai mô hình " Ngôi nhà xanh - Biến rác tái chế thành hoạt động có ý nghĩa", các chị em hội viên phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng và triển khai được nhiều động có ý nghĩa như tổ chức gây quỹ hội, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên nghèo.
Mô hình này đã góp phần thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn của chị em nói chung, người dân nói riêng.
Tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, phong trào "Biến rác thải thành con giống" là cách làm hay, sáng tạo của chị em phụ nữ xã, có tính nhân văn sâu sắc, tác động, lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực, tham gia bảo vệ môi trường sống .
Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Xá – Hưng Nguyên đã trao được hàng trăm con gà giống cho hội viên nghèo trên địa bàn. Gia đình chị Lâm Thị Đào, chi hội phụ nữ xóm Tân Long, xã Long Xá là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được chi hội phụ nữ xã Long Xá trao tặng con giống trong đợt này cũng bày tỏ: Đươc Hội liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ trao tặng con giống, bản thân tôi rất vui mừng, phấn khởi. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng giá trị tinh thần vô cùng to lớn, là nguồn động viên giúp tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống".
Thực hiện chương trình "Biến rác thành tiền, biến rác tái chế thành hoạt động có ý nghĩa", các cơ sở Hội Phụ nữ huyện Hưng Nguyên đã quán triệt đến từng chi hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân cùng tham gia phân loại rác thải từ nguồn, thu gom phế liệu và tập kết tại địa điểm quy định để bán gây quỹ.
Đến nay, 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn huyện đều thực hiện, với các mô hình như: Biến rác thành con giống”, “Biến rác thành Thẻ bảo hiểm y tế”, “Biến rác thành đường hoa”, “Biến rác thành khu vui chơi, giải trí cho trẻ em”.
Từ phong trào này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Nguyên đã trao tặng được nhiều công trình vui chơi giải trí cho trẻ em tại các nhà văn hóa khối xóm; xây dựng được hàng trăm km đường hoa, cây cảnh tại các xóm, xã trên địa bàn bàn toàn huyện; trao tặng 126 thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 1.028 đầu sách, 3.327 quyển vở, 264 cái bút và hàng chục triệu đồng được trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Hoàng Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Nguyên cho biết: "Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên phân loại rác tại nguồn, phối hợp ra quân tổng vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tập huấn kỹ năng xử lý rác tại nguồn, tại hộ gia đình, duy trì và nhân rộng các mô hình như biến rác thành tiền, đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm, xây dựng gia đình 5 có 3 sạch, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm người dân".
Với suy nghĩ "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", mô hình "Biến rác thành tiền, biến rác tái chế thành hoạt động có ý nghĩa" của Hội phụ nữ huyện Hưng Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực và có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Thông qua chương trình, ý thức thu gom, phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sống của người dân Hưng Nguyên đã có sự thay đổi, đồng thời hình thành thói quen tiết kiệm, nâng cao tinh thần tương thân tương ái, xây dựng lối sống đẹp, văn minh, thân thiện.