Sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, cùng thân quyến cũng như bạn bè quốc tế. Những lời tiễn biệt đồng chí trong phút cuối vẫn xúc động không phai trong những tấm chân tình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về cõi vĩnh hằng, tại Lễ truy điệu ông được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Lời điếu tại Lễ truy điệu: "Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đồng bào, đồng chí cả nước và gia đình tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Lê Khả Phiêu - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản trung kiên, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân ta và đồng chí, đồng đội, đối với gia quyến đồng chí Lê Khả Phiêu, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế".
Điếu văn có đoạn: Là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách, Đồng chí luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thương yêu đồng bào, đồng chí, luôn đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết, trước hết; gần gũi, giản dị, luôn gắn bó với nhân dân, sâu sát địa phương và cơ sở; được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng.
Là cán bộ được tôi luyện, trưởng thành qua trận mạc, khó khăn, gian khổ, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong những điều kiện cụ thể, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn có nhiều đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện chính kiến và dám chịu trách nhiệm.
Với gần 90 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng và hơn 70 năm tuổi Đảng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trọn cả cuộc đời của Đồng chí gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng chí luôn giữ vững chí khí, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, luôn tận tâm, hết lòng vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao tri thức, tìm tòi, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán trong công việc.
"Chúng ta có mặt tại đây để đưa tiễn Đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Vĩnh biệt Đồng chí, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong lời cuối của điếu văn.
Ôngng Lê Minh Diễn - con trai của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh.
Tiễn biệt người cha vô vàn kính yêu, ông Lê Minh Diễn - con trai của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lời cảm ơn đã có những chia sẻ khiến nhiều người không cầm được nước mắt: "Con sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố. Ký ức tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán, những buổi học hòa trộn với những đợt bom; những buổi tối mắt nhắm, mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm. Chúng con đã quen với những trận mưa bão tốc mái, tung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngóc ngách trong căn nhà vách đất, vật lộn và chống chọi với bom đạn, mưa bão, chỉ có mẹ và 4 bà cháu.
Những hiểu biết của con về bố chỉ là chú bộ đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về.
Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao người lính rồi lại tiếp tục lên đường với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Tiếp bước bố, hai anh em con nhập ngũ và trở thành người lính, con ra biên giới, ở nhà chỉ có bà, mẹ và chị.
Vì là người lính, nên con hiểu sự khó khăn, gian khổ của bố và đồng đội khi đến thăm Thành cổ Quảng Trị, nghe kể về cuộc chiến ở đây, con cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày, từng giờ. Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị Thiên nơi nào cũng in đậm dấu chân của bố".
Những lời tâm sự cuối cùng của con trai với người cha không còn trên cõi đời nữa, những những gì ông căn dặn các con giường như đã trở thành di sản không bao giờ phai nhạt cho các con và thế hệ mai sau: "Bố luôn nói với chúng con rằng, được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng ngàn gia đình mất người thân, nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể ngày trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ, gia đình họ đến tận bây giờ.
Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của nhân dân dù ở bất kỳ cương vị nào.
Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống đúng như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con".
"Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng, nơi đó không còn chiến tranh, nơi đó luôn ấm tình đồng đội. Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh", lời tiễn biệt cuối cùng các con dành cho nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ẩn chứa niềm tự hào và nỗi quyến luyến khôn nguôi, nhưng hơn hết nén nỗi đau này, không chỉ gia quyến của ông mà cả dân tộc đưa tiễn ông đều mong ông thanh thản về nơi vĩnh hằng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith thắp hương viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân và người dân cả nước bày tỏ sự tiếc thương, mà được tin nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu từ trần, nhiều bạn bè quốc tế cũng hướng về Việt Nam, chia sẻ nỗi mất mát.
Tính đến 17 giờ ngày 14/8, gần 660 đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường 25B (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Trong đó, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước và Mặt trận Lào Xây dựng đất nước do ông Thongloun Sisoulith, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu sang dự Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, sự ra đi của đồng chí Lê Khả Phiêu không chỉ là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào cũng mất đi một người đồng chí cùng chung chiến hào, một người bạn vô cùng gần gũi, thân thiết; đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào sẽ mãi mãi giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin và Đoàn đại biểu cấp cao Campuchia nhân dịp Đoàn sang viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng CPP, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin chia buồn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nhấn mạnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người bạn rất tốt của Campuchia, người đã từng tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia sau khi Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và thường xuyên đôn đốc, thúc đẩy việc tăng cường mối quan hệ giữa hai đất nước Campuchia-Việt Nam.
Lãnh đạo các nước, một số đảng chính trị cũng đã gửi Điện/Thư chia buồn tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Lê Khả Phiêu.