Đời sống

Xúc động lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hi sinh tại Cao điểm 174

Đức Hồ 30/04/2024 06:51

Trải qua 49 năm dài đằng đẵng, việc tìm thấy 9 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Cao điểm 174 (huyện Hoài Ân, Bình Định) là tâm nguyện hằng ấp ủ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Tìm thấy các anh, một niềm hạnh phúc khó tả với đồng đội, thân nhân và người dân Bình Định.

Những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là chiến trường trọng điểm của Quân khu 5, là nơi đứng chân, hậu cứ của Sư đoàn 3.

Xác định được địa bàn chiến lược quan trọng của Bình Định nên cuối năm 1965, địch đã tập trung hơn 20.000 quân Mỹ và chư hầu, với 500 máy bay phản lực các loại và hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh nhằm thực hiện mục đích "tìm diệt" và "bình định".

Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Nếu ta có được Cao điểm 174 nghĩa là kiểm soát được một địa bàn rộng lớn của huyện Hoài Nhơn, mà quan trọng là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn và cụm pháo binh phía Bắc Đèo Phú Cũ. Ngược lại nếu địch có được Cao điểm 174, sẽ kiểm soát và khống chế toàn bộ phía Bắc huyện Hoài Ân.

3a6ac496-b605-464b-8ad2-d71cd80a9c81.jpeg
Bình Định tổ chức lễ truy điệu và an táng 7 hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Cao điểm 174.

Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, Cao điểm 174 là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Đến tháng 11/1972, Sư đoàn 3 mở đợt tiến công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174, xét thấy tầm quan trọng của Cao điểm 174, Sư đoàn 3 đã chỉ thị cho Trung đoàn 21 xây dựng hệ thống công sự trận địa hầm hào kiên cố, điển hình là địa đạo 174.

Đến tháng 9/1974, địch tập trung lực lượng gồm Sư đoàn 22 quân lực Việt Nam Cộng hòa, Liên đoàn biệt động số 4, Liên đoàn biệt động số 6 tập trung đánh chiếm Cao điểm 174, 82, Núi Chéo.

2d55441b-071a-48ee-a087-cf87b65258e2.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Phạm Anh Tuấn thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ hi sinh tại Cao điểm 174.

Có những ngày riêng Cao điểm 174 gánh chịu hơn 2000 quả đạn, pháo các loại, 40 lượt máy bay A37 ném bom xuống. Đêm mùng 1 rạng sáng ngày mùng 2/1/1975, địch mở đợt tiến công ồ ạt đánh chiếm cao điểm 174. Chúng huy động tối đa lực lượng pháo binh, máy bay bắn phá oanh tạc từ 2h sáng ngày mùng 2/1 đến 11h cùng ngày.

f2d5b38a-5572-4746-a523-725d9b61996a.jpeg
Một trong các cửa hầm tại Cao điểm 174 được phát hiện khai quật.

Tất cả các công sự trận địa bị phá hủy quân ta bị thương vong tổn thất nhiều, buộc lực lượng còn lại rút chạy vào địa đạo cố thủ.

Đến 11h trưa ngày mùng 2/1 cửa địa đạo bị sập, địch chiếm giữ được địa đạo, khống chế và lấp chặt cửa địa đạo ở phía Nam. Toàn bộ chiến sĩ trong địa đạo bị kẹt lại không thoát ra được, theo thông tin ban đầu, số chiến sĩ ta bị mắc kẹt và hy sinh trong địa đạo khoảng 7 đến 9 đồng chí.

Sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm thêm vào trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam, những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

a611f287-a886-4fa7-aaaf-243655746fb9.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Hồ Quốc Dũng tại Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hi sinh tại Cao điểm 174.

Ngày 24/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt 7 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), thì chỉ sau đó 1 ngày lại tiếp tục tìm thấy thêm 2 hài cốt của các anh.

84574c7a-21e3-4587-8a28-0246b9995a2a.jpeg
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là chiến trường trọng điểm của Quân khu 5, là nơi đứng chân hậu cứ của Sư đoàn 3.

Như vậy, sau 49 năm từ ngày chiến tranh kết thúc, lực lượng chức năng tỉnh Bình Định cùng nhân dân đã phát hiện địa đạo 174, quy tập 9 hài cốt liệt sỹ. Các hài cốt liệt sỹ đã phân hủy, còn một ít xương cùng di vật kèm theo như giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn…

“Tìm được đồng đội về, người lính như tôi mới cảm nhận sự thanh thản”

Nỗi nhớ về những đồng đội nằm trong lòng đất lạnh lẽo đã thôi thúc cựu chiến binh Trần Văn Phúc (68 tuổi, ở Nghệ An) vượt gần 1.000km vào Bình Định để tìm kiếm.

Trong trận chiến cách đây 49 năm, với vai trò là Tiểu đội trưởng, Đại đội 15 Công binh, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng), cựu chiến binh Trần Văn Phúc cho biết, đại đội công binh khi đó chuyên tăng cường phối hợp chiến đấu cho các đơn vị. Bởi vậy, diễn biến các cuộc tấn công, phản kích từ tháng 9/1974 đến đầu năm 1975 ông Phúc nhớ như in từng chi tiết.

8018a9d6-a90b-45cc-a7ed-3c7995341132.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định - Lê Kim Toàn.

Theo lời kể của ông Phúc, ngày 2/1/975, nắm cơ hội mùa mưa, quân địch tập trung phá hủy hết công sự, giao thông hào rồi đưa bộ binh tấn công. Trong loạt pháo cuối cùng, địch đánh sập cửa hầm phía Bắc nên bộ đội phải co vào trong địa đạo. Sau đó, địch áp sát cửa phía Nam, khống chế, ném lựu đạn, làm 2 chiến sĩ ngã xuống ngay tại cửa hầm.

ab13bead-2b27-42ba-b96e-fb63f6b35936.jpeg
Ông Trần Văn Phúc - Cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao vàng.

Quân địch dùng rất nhiều bao cát để lấp cửa hầm. Lúc đó, anh em trong hầm vẫn cố gắng liên lạc ra ngoài. Đơn vị 3 lần tổ chức phản công để giải cứu nhưng bất thành. Đến ngày thứ 6, không thấy anh em trong hầm liên lạc nên Trung đoàn rút lui, chỉ để lại Đại đội 15 bám chân đồi giữ chốt bàn đạp thêm 2 ngày.

"Biết anh em ở trong hầm chờ giải cứu nhưng bất lực. Suốt 50 năm qua, các anh nằm trong lòng đất lạnh lẽo. Những ký ức về đồng đội vào sinh ra tử cứ đeo đẳng nên tôi quyết định phải đi tìm đồng đội, bởi chỉ thêm 2 năm nữa chắc gì còn sức khỏe để làm việc này. Đến nay, toàn bộ liệt sỹ của đại đội công binh hy sinh năm 1974-1975 ở ngoài công sự đều đã được tìm thấy", ông Phúc nói.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng cựu chiến binh Trần Văn Phúc chưa bao giờ nguôi thương nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Đó chính là động lực thôi thúc ông quyết trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội, với ý nguyện cuối cùng đưa các anh về với quê hương, bản quán.

Từ các nguồn tin, chứng cứ do ông Phúc cung cấp, đầu tháng 4, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định và ông Phúc đã tìm được cổng vào một hầm chiến đấu tại Đồi 174 và phát hiện nhiều hài cốt liệt sỹ ngay tại cửa hầm.

7eadee99-eee9-446b-8bd5-289dfd8e2b4f.jpeg
Các hài cốt liệt sỹ đã phân hủy, còn một ít xương cùng di vật kèm theo như giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn…

"Các đồng đội hy sinh rất thương xót, không biết còn những ai ở trong hầm. Khó khăn trải qua thời gian dài địa hình thay đổi, nhưng trong tâm trí tôi, cửa địa đạo 174 cứ hiển hiện rõ trong trí nhớ nên tôi tin sẽ tìm được. Chúng tôi cảm ơn nhân dân và chính quyền địa phương đã rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tìm kiếm các đồng đội", ông Phúc xúc động nói.

Đại tá Lê Văn Ninh - nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) nhiều ngày qua, cũng có mặt tại hiện trường khai quật tìm kiếm các liệt sĩ.

Ông vô cùng xúc động và thương nhớ anh em, đồng đội cũ. Chính vì thế, đã ngoài 70 tuổi, vợ chồng ông vẫn lặn lội vào tận nơi trực tiếp khai quật, đưa hài cốt của đồng đội. “Anh em nằm ở chiến trường 50 năm rồi, giờ đưa được đồng đội về, một người lính như tôi mới cảm nhận sự thanh thản", ông Ninh chia sẻ.

22b7f022-ae83-4989-82b5-04ce00120ac9.jpeg
Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định thắp hương cho các liệt sĩ.

Tên tuổi các anh hùng liệt sĩ đời đời bất diệt

Đón xe khách từ Nghệ An vào Bình Định dự lễ truy điệu, an táng các Anh bùng liệt sỹ hy sinh tại Cao điểm 174, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Đình Liên, bà Nguyễn Thị Xuân (56 tuổi, em gái út liệt sỹ Liên) không cầm được nước mắt.

Bà Xuân nói rằng, anh trai mình mất trong trận chiến, gần 50 năm qua đi, gia đình mãi trông mong và tìm kiếm nhưng không biết anh hy sinh ở đâu. Anh ra đi không một lời trăn trối với gia đình, cha mẹ vì thương nhớ anh mà suy sụp rồi qua đời.

4b3089e7-374d-4346-9bac-bf87c14bf6b2.jpeg
Người thân của một trong những liệt sĩ đã anh dũng hi sinh tại Cao điểm 174.

“Bây giờ tìm được hài cốt anh rồi, gia đình xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Bình Định, các cấp, ngành, đơn vị bộ đội… Nguyện vọng của gia đình sẽ sớm đưa hài cốt của anh về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà để tiện việc hương khói", bà Xuân cho hay.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, đã 49 năm trôi qua, hình hài xương thịt các đồng chí đã trở thành đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc.

1c43a5ac-1b0a-4a69-b0a7-11434043fafa.jpeg
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban Ban lễ tang.

Sự hy sinh của các đồng chí đã để lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đã để lại cho mảnh đất Hoài Ân anh dũng, kiên cường, nơi đã sản sinh ra Sư đoàn 3 Sao vàng anh hùng hôm nay.

Kể từ hôm nay, các đồng chí sẽ được trở về với đồng đội của mình ở nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Tổ quốc ta, nhân dân ta mãi mãi ghi công. Tên tuổi của các Anh hùng liệt sĩ đời đời bất diệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc động lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hi sinh tại Cao điểm 174