Sáng 26/3, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Cùng dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Tham dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Kiên Giang; các đồng chí lão thành cách mạng; đại diện lực lượng vũ trang; các cựu tù chính trị, tù binh và thân nhân cựu tù, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc bắt đầu hoạt động vào ngày 6/7/1967, là trại giam lớn nhất do Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam, giam giữ hơn 40.000 tù binh là các chiến sĩ yêu nước và dân thường bị bắt giữ trong các cuộc chiến đấu, càn quét ở khắp các tỉnh, thành miền Nam.
Với gần 7 năm hoạt động, áp dụng khoảng 45 hình thức tra tấn dã man, tàn bạo đối với các tù binh từ thời trung cổ đến hiện đại, đã làm hơn 4.000 tù binh tử vong, số người còn sống trở về hầu hết bị thương tật; tuy bên ngoài lành lặn nhưng trong người mang đầy bệnh tật, đau yếu thường xuyên do di chứng của những đòn roi tra tấn dã man, tàn bạo trong trại giam. Với tội ác man rợ của Mỹ - Ngụy gây ra, mọi người đã gọi nơi đây là “địa ngục trần gian”.
Tháng 01/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh, trong đó có tù binh Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam-Phú Quốc. Nhiều cựu tù binh tiếp tục tham gia chiến đấu, công tác và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thành Bình bày tỏ, Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang trân trọng biết ơn sâu sắc, luôn ghi nhớ công lao to lớn, sự hi sinh cao cả của các cựu tù chính trị, tù binh, đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cùng với cả nước, tỉnh Kiên Giang sẽ luôn quan tâm giữ gìn, tôn tạo, phát huy Di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam-Phú Quốc để giáo dục truyền thống và nhắc nhở con cháu thế hệ mai sau trân trọng và giữ gìn, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đền ơn đáp nghĩa, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với nước, các cựu tù chính trị, tù binh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đồng chí tiếp tục nêu gương sáng và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Duy Điệp, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình, đại diện cho Cựu tù binh Việt Nam đã phát biểu ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của cán bộ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày; ôn lại những ngày đấu tranh gian khổ trong lao tù trước sự tra tấn tàn bạo của quân địch. Sau 50 năm trở lại Phú Quốc, các cựu tù đều bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Trong niềm vui, niềm xúc động được gặp lại nhau, các cựu tù cũng bồi hồi nhớ tới hàng ngàn chiến sĩ 50 năm trước vì sự nghiệp đấu tranh, thống nhất đất nước đã phải nằm lại nơi đây.
Suốt 50 năm qua, quân và dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc đã có nhiều cố gắng tìm kiếm và đã quy tập được hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Dương Đông. Nhưng trong số ấy mới có khoảng 500 người có tên tuổi, số còn lại vẫn không có tên, không một dòng địa chỉ.
Nhiều người còn phải nằm chung cùng một ngôi mộ tập thể trong nghĩa trang. Lại còn nhiều hài cốt vẫn đang nằm rải rác nơi lưng đồi, ven suối chốn rừng thẳm, núi cao, còn nổi chìm giữa đại dương mênh mông ngày, đêm sóng gió.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối, các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân để non sông đất nước Việt Nam được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Đại tướng Lương Cường cho biết, Lễ kỷ niệm “50 năm chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hôm nay như một lời nhắc nhở chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.
Đại tướng Lương Cường đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương và cả hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14, ngày 19/7/017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những chương trình hành động, việc làm cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, chăm sóc giúp đỡ người có công, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, nhất là gia đình còn khó khăn trong cuộc sống.
Thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, quan tâm đầu tư phục dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình, tích cực sưu tầm hình ảnh, di vật, hoàn thiện các tư liệu lịch sử, xuất bản ấn phẩm gắn với tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn, để nơi đây mãi là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, cũng như bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt, tù đày có các phần quà nghĩa tình gửi đến các cựu tù và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.