Năm 2022, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu - châu Mỹ tăng trưởng khá cao, đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Năm 2022, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu - châu Mỹ về cơ bản vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam trong năm 2022.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 9,4% so với năm 2021, đạt hơn 230 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 184 tỷ USD, tăng 12,3% và chiếm tỷ trọng gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Nhập khẩu đạt hơn 46 tỷ USD, giảm 1% và chiếm tỷ trọng 12,8% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Thặng dư thương mại với thị trường này đạt tới 138 tỷ USD, giúp cán cân thương mại của Việt Nam đạt mức thặng dư 12,4 tỷ USD.
Kết quả tích cực như trên đến từ sự tăng trưởng xuất khẩu tích cực ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Hoa Kỳ đạt 109,4 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021; EU27 đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%; các nước CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; Anh đạt gần 6,1 tỷ USD, tăng 5,2%.
Khoảng 15 mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ có kim ngạch trên một tỷ USD trong đó một số mặt hàng tăng trưởng hai con số: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 28,6 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2021; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,1 tỷ USD, tăng 14,2%; hàng dệt may đạt hơn 24,6 tỷ USD, tăng 14%; giày dép các loại đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 36%; thủy sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng trưởng 10,4%; cà phê đạt 2,2 tỷ USD, tăng 42,5% v.v...
Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và Mở rộng thị trường xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cho biết: Hoạt động của Bộ Công Thương hỗ trợ tích cực cho xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ ở phương diện hỗ trợ khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời hạn chế tác động tiêu cực hay dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan.
Điển hình như việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đưa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xử lý 2 vụ việc điều tra theo Mục 301 về vấn đề định giá thấp tiền tệ và sử dụng gỗ bất hợp pháp của Việt Nam, góp phần vào việc đấu tranh để phía Hoa Kỳ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với Việt Nam; xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc bị lừa đảo (vụ xuất khẩu điều) tại thị trường EU…