Xuất khẩu tôm: Điểm sáng của ngành thủy sản

Tuấn Phong| 24/08/2021 10:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

7 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) tôm ước đạt 240.000 tấn, với giá trị 2,19 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 16% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm nay, XK tôm sang thị trường Australia đạt 88,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu (NK) tôm chính của Việt Nam.

Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao thứ 2 sau Ecuado, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tôm Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tăng từ 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2020, lên 9,5% trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, tại EU, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 4 trong số các thị trường cung cấp ngoài khối của EU. Hay tại Nhật Bản, tôm Việt Nam XK đã chiếm 27,65% trong tổng trị giá NK của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2021.

Có được sự tăng trưởng trên, nhiều ý kiến cho rằng, do nhu cầu NK tôm của nhiều thị trường trên thế giới tăng, bên cạnh đó, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là yếu tố hỗ trợ XK tôm của Việt Nam.

4346_xk-tom.jpg
Sản xuất thủy sản xuất khẩu (Ảnh minh họa)

Hiện, nhu cầu NK tôm của thế giới có chiều hướng tăng cao do nhiều quốc gia đã đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ chương trình tiêm chủng vắc-xin; các quy định về đi lại được nới lỏng, dịch vụ ăn uống được mở cửa một phần nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng so với giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, nhiều nhà NK, nhà cung cấp, kênh phân phối bán lẻ đã thích nghi với dịch bệnh để thúc đẩy lại hoạt động kinh doanh. Nhiều phương thức bán hàng được thay đổi theo hướng dịch vụ giao hàng tận nhà tăng lên, thanh toán trực tuyến…

Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia và những nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch Covid-19. Dự báo, XK tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần.

Khó khăn nhất hiện nay là giá cước vận tải tăng, thiếu container, thiếu tàu vận chuyển… Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến nhiều địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16, việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động XK thủy sản cũng bị tác động. Do đó, việc mở rộng "vùng xanh" để tăng diện tích nuôi tôm; tăng thêm các nhà máy sản xuất "3 tại chỗ"; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm là giải pháp cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu tôm: Điểm sáng của ngành thủy sản