Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD/năm nhưng cũng là nơi điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam nhiều nhất.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 101,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 29,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Với kết quả trên, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 11 tháng đầu năm, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 29,58% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
11 tháng đầu năm có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó, 4 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,55 tỷ USD; dệt may đạt gần 16,1 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,57 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,35 tỷ USD.
Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong 11 tháng đầu năm đạt 13,46 tỷ USD.
Với tổng kim ngạch 114,68 tỷ USD, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, tính hết tháng 11, Mỹ đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam với 51 vụ việc, chiếm khoảng 25% số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.
Ngoài các công cụ điều tra bán phá giá, thời gian gần đây Mỹ cũng tiếp tục sử dụng những hoạt động điều tra mới, trong đó có điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm 50% số vụ điều tra của Mỹ với Việt Nam.
Thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tần suất bị Mỹ điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh nhiều nhất.
Theo chuyên gia, điểm chung nhất trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá là việc gia tăng xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước, Mỹ có các chính sách phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngành thép Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại là chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, chi phí nhân công của Việt Nam đang ở mức thấp, chúng ta có lợi thế về giá hơn so với những nền kinh tế phát triển như Mỹ.