Tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhiều yếu tố, các doanh nghiệp xuất khẩu điều cần tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị để đảm báo tấm vé “xanh” vào các thị trường cao cấp như EU...
Tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) dự báo tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Năm 2023, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu đạt mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Hiệp hội duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”...
Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần điều Long Sơn cho biết, điểm sáng trong năm 2023 có thể đến từ Trung Quốc nhưng thị phần của thị trường này chưa lớn, thời điểm cao nhất mới chỉ chiếm khoảng 10% xuất khẩu nhân điều của Việt Nam. Một số thị trường đang có sự ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc … thì lượng hạt điều tiêu thụ không nhiều. Trong khi đó, 2 thị trường ăn nhiều hạt điều nhất là Mỹ và EU thì vẫn rất khó khăn. Do đó, thị trường nhân điều năm 2023 vẫn chưa sáng sủa.
Còn ông Trần Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, sau tết, nông dân đã bắt đầu thu hoạch điều, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xử lý nguyên liệu, chế biến, nhưng hợp đồng còn khá ít. Trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng mua nhân điều trong 6 tháng, nhiều hợp đồng tới 9 tháng hoặc hơn. Nhưng đầu năm 2023, nhà nhập khẩu nào ký hợp đồng với thời gian mua dài nhất cũng chỉ tới giữa năm, nhưng với số lượng hạn chế. Nhìn chung, các nhà nhập khẩu đang mua một cách cầm chừng. Chính vì vậy, ông Hiệp nhận định, trong thời gian tới, tình hình vẫn chưa có gì khả quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu điều.
Do đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu riêng trên kệ siêu thị tại các thị trường xuất khẩu trên thế giới, nhiều hơn hẳn các loại nông sản khác của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, ngành điều cần tiên phong trong việc xanh hoá và thực hành sản xuất xanh. Hiện EU đang đi đầu về xu hướng này từ năm 2017. Từ đó đến nay, nhiều đạo luật đã được ban hành để hiện thực mục tiêu Net-Zero, cùng với đó là các tiêu chuẩn được đưa ra đối với các ngành hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị cho toàn ngành để đảm báo tấm vé “xanh” vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản.