Sau khi cổ phần hóa, Cty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) còn vướng 3 hợp đồng chưa thanh lý với Cty Tân Long. Dù công ty này vi phạm điều khoản cả 3 hợp đồng nhưng HDTC vẫn giữ chữ tín, thanh toán cho họ 100 tỷ đồng, nhưng Tân Long lại bội tín.
Vi phạm cả 3 hợp đồng
Dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị mới An Phú-An Khánh (Dự án An Phú-An Khánh) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 16/11/1998, do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (Công ty Nhà; sau cổ phần hóa đổi tên thành HDTC) thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Ngày 10/9/1999, Công ty Nhà ký Hợp đồng kinh tế số 999/HĐ-APAK, về việc góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và kinh doanh đất đã có hạ tầng cơ sở tại khu đô thị An Phú-An Khánh với 11 doanh nghiệp. Từ năm 2005, còn 08 công ty đã ký Phụ lục hợp đồng kinh tế số 905/PLHĐ-An Phú-An Khánh (trong đó có Công ty Tân Long).
Theo Điều 2, Phụ lục hợp đồng thì công ty Tân Long tham gia góp vốn là 10,675 tỷ đồng, chiếm 8,75% tổng vốn góp. Nhưng sau đó, Tân Long chỉ góp vốn 2,135 tỷ đồng (đạt 1,75% tổng giá trị vốn góp 122 tỷ đồng và đạt 20% so với cam kết). Đến năm 2006, Công ty Nhà đã tiến hành phân chia lợi nhuận cho Tân Long số tiền 3,365 tỷ đồng, cao hơn thỏa thuận quy định trong hợp đồng là 3,15%/quý.
Khu đất tại khu đô thị mới An Phú-An Khánh
Năm 2008, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Công ty Nhà đã tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng với các thành viên góp vốn. Riêng Tân Long không đồng thuận thanh lý.
Ngoài việc ký kết hợp đồng nói trên, Tân Long còn ký 2 hợp đồng khác với Công ty Nhà, cụ thể: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 1753/2003/HĐAPE/KD ngày 01-10-2005 về việc chuyển nhượng lô đất E5 và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 1866/2006/HĐCNĐCC ngày 08-9-2006 về việc chuyển nhượng lô đất D7 thuộc Dự án An Phú-An Khánh.
Nhưng Công ty Tân Long tiếp tục vi phạm hợp đồng khi hơn một thập kỷ qua chưa thanh toán hết số tiền đã ký kết cho Công ty Nhà. Đối với Hợp đồng số 1753/2003/HĐAPE/KD, tới nay Tân Long mới thanh toán được hơn 4,37 tỷ đồng (đạt 31,8% giá trị hợp đồng). Còn Hợp đồng số 1866/2006/HĐCNĐCC, Tân Long mới thanh toán được hơn 1 tỷ đồng (đạt 20% giá trị hợp đồng).
“Được voi đòi tiên”
Đầu năm 2016, theo chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, Công ty Nhà đã tiến hành cổ phần hóa và ông Đinh Trường Chinh đã mua lại 70% cổ phần với tổng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng, trở thành cổ đông lớn nhất của HDTC.
Sau khi cổ phần hoá, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã xác định, rà soát lại toàn bộ các hợp đồng đang thực hiện, nếu hợp đồng nào vi phạm các điều khoản và điều kiện thanh toán sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng theo điều khoản quy định. Đối với các hợp đồng không vi phạm sẽ đàm phán, thỏa thuận chấm dứt trên tinh thần có tình và lý, hài hòa lợi ích giữa 2 bên.
Trở lại với 3 hợp đồng của Công ty Tân Long. Đối với Hợp đồng kinh tế số 999/HĐ-APAK và phụ lục Hợp đồng số 905/PLHĐ-APAK ngày 16/5/2005, khi khởi kiện Công ty HDTC tại Tòa án nhân dân Quận 2, Công ty TNHH Tân Long đề nghị thanh lý theo điều khoản thanh lý đã thỏa thuận trong hợp đồng với số tiền là 118.371.731.110 đồng. Tuy nhiên, Công ty Tân Long chỉ góp 2,135 tỷ đồng chỉ đạt 1,75% trên tổng giá trị vốn góp 122 tỷ đồng và chỉ đạt 20% so với phần vốn góp đã cam kết.
Theo quy định của pháp luật thì khi tham gia góp vốn, các bên muốn được phân chia lợi nhuận thì phải góp đủ số vốn góp đã cam kết hoặc sẽ được phân chia lợi nhuận trên cơ sở vốn đã thực góp. Đó là chưa kể, tại kết luận kiểm toán năm 2007 còn không cho phép việc phân chia thêm lợi nhuận cho các thành viên góp vốn vì năm 2006 Công ty HDTC đã tiến hành phân chia lợi nhuận cho Công ty TNHH Tân Long hơn 3,3 tỷ đồng.
Cho nên, ngay cả trong trường hợp các bên thỏa thuận phân chia thêm lợi nhuận thì Công ty TNHH Tân Long chỉ được phân chia trên 20% phần vốn góp. Nếu lấy số tiền 118.371.731.110 đồng mà Tân Long đề nghị, thì Tân Long chỉ được 20% của số tiền đó tương đương khoảng 23,6 tỷ đồng.
Với hai hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một hợp đồng lẽ ra phải thanh toán hơn 3 tỷ đồng thì Công ty Tân Long chỉ thanh toán cho Công ty Nhà số tiền hơn 1 tỷ đồng; một hợp đồng trị giá gần 14 tỷ đồng nhưng Công ty Tân Long mới thanh toán hơn 4,2 tỷ đồng.
Hợp đồng quy định rõ việc bên A có quyền đơn phương thanh lý hợp đồng
Cả hai hợp đồng đều ghi rõ: Nếu bên B (Tân Long) vi phạm thời hạn thanh toán quy định trong Hợp đồng, bên B phải chịu phạt theo mức lãi suất tín dụng quá hạn. Quá thời hạn thanh toán, bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và hoàn trả cho bên B số tiền thanh toán của các đợt sau khi đã trừ số tiền lãi suất trả chậm và tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 12% giá trị hợp đồng....
Như vậy, Công ty Tân Long đã vi phạm nghiêm trọng điều khoản của hợp đồng và HDTC có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời cũng đã có văn bản gửi Công ty Tân Long từ ngày 6-6-2016 đề nghị chấm dứt các hợp đồng trên.
“Theo quy định của điều khoản trong hợp đồng, HDTC hoàn toàn có quyền đơn phương thanh lý hợp đồng. Nhưng để hài hòa lợi ích giữa 2 bên, sau khi nhận được đề nghị từ ông Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Công ty Tân Long, Hội đồng Quản trị HDTC đã kiểm tra, rà soát và thống nhất với phương án mà Tân Long đề ra: HDTC sẽ thanh toán cho Công ty Tân Long 100 tỷ đồng để thanh lý 3 hợp đồng mà hai bên đã ký kết thông qua việc Tân Long đã ký và gửi 3 biên bản thanh lý của 3 hợp đồng (bản photo) để xác nhận sự thống nhất nêu trên. Khi HDTC thực hiện nghĩa vụ tài chính thì Tân Long sẽ ký vào 3 biên bản thanh lý (bản gốc) gửi cho HDTC”, đại diện HDTC cho biết.
HDTC còn lập vi bằng về việc ghi nhận thực trạng các lô đất, đồng thời lập vi bằng về việc có thư từ trao đổi qua email về việc thỏa thuận đưa 100 tỷ để lấy lại 3 hợp đồng của Công ty Tân Long.
Thông tin sai sự thật
“Thế nhưng, khi nhận đủ 100 tỷ đồng (có email xác nhận việc chuyển tiền như cam kết) từ HDTC, Tân Long đã bội tín, nói rằng số tiền trên chỉ dể thanh lý Hợp đồng số 999/HĐ-APAK và Phụ lục hợp đồng số 905/PLHĐ-APAK và yêu cầu HDTC trả thêm tiền. Nhiều cổ đông đã rất bức xúc phản ứng với tôi việc này” – ông Đinh Trường Chinh cho biết.
Các chứng từ thanh toán thể hiện rõ HDTC chuyển tiền để thanh lý 3 hợp đồng
Theo đại diện HDTC, thời gian gần đây, còn xuất hiện thông tin liên quan đến hai đơn vị khác với những phản ánh không đúng về HDTC như: Cty Nhà không thực hiện việc đền bù, giải tỏa dứt điểm, dẫn đến kéo dài thời gian bàn giao, thi công dự án; “bội tín”...Ông Nguyễn Hoài Phương trả lời báo chí còn cho rằng, việc đưa ra email về thỏa thuận không loại trừ khả năng giả mạo. Thỏa thuận chỉ thể hiện việc chồng 80 tỷ thì Tân Long giao cho HDTC 1 hợp đồng kinh tế, còn 2 lô đất thương lượng sau. Việc HDTC 2 lần chuyển mỗi lần 10 tỷ là để thực hiện việc trả lãi với khoản trả trước 5 tỷ của Tân Long. Ông Đinh Trường Chinh khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật.
"HDTC đã lập vi bằng đúng pháp luật, không thể có chuyện giả mạo. Theo nội dung vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh (TP HCM) lập ngày 12/9/2017, chúng tôi thấy đã thể hiện rất rõ các email do bà Lê Thị Hồng Nga giao dịch với đại diện Công ty Tân Long là ông Nguyễn Văn Phùng để chuyển cho ông Nguyễn Hoài Phương. Các email này nêu rất rõ nội dung chuyển tiền để thanh lý 3 hợp đồng.
Còn tại các chứng từ thanh toán cho Công ty Tân Long của HDTC với 16 lần chuyển tiền, nội dung giao dịch đều ghi rõ: “Thanh toán theo biên bản thanh lý hợp đồng số 184/BBTLHĐ-HDTC/2017; 185/ BBTLHĐ-HDTC/2017,186/ BBTLHĐ-HDTC/2017, như vậy là thể hiện thanh lý cho 3 hợp đồng khác nhau chứ không phải 80 tỷ chỉ cho một hợp đồng, còn 2 lần mỗi lần 10 tỷ để thực hiện việc “trả lãi” như ông Nguyễn Hoài Phương thông tin".
Hình ảnh vi bằng có giao dịch hồi âm của Công ty Tân Long
Sẽ khởi kiện vì Tân Long “bội tín trắng trợn có tính chất lừa đảo”
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, đại diện Công ty HDTC đã gọi hành vi trên là “sự bội tín trắng trợn có tính chất lừa đảo”. Theo đó, thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện một số thông tin không đúng sự thật mang tính chất vu khống trắng trợn về tình hình thực hiện các hợp đồng góp vốn, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng dất giữa Công ty HDTC với Công ty TNHH Tân Long. Việc này chẳng những đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của HDTC bôi nhọ danh dự và phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông đã đầu tư vào HDTC.
Theo đơn trình bày, Công ty TNHH Tân Long còn gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan ban ngành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HDTC, gây cản trở cho việc điều chỉnh quy hoạch của công ty, phá vỡ kế hoạch cũng như chiến lược của công ty.
“Với vốn điều lệ trên hai nghìn tỷ đồng, việc Tân Long gây ra ở thời điểm hiện tại sẽ khiến HDTC thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi tháng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của các cổ đông đầu tư vào HDTC, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn nhà nước (hiện vốn nhà nước đang chiếm 30% tại Công ty HDTC). Để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, HDTC sẽ khởi kiện Công ty TNHH Tân Long và ông Nguyễn Hoài Phương để yêu cầu đền bù những tổn thất mà Công ty HDTC phải gánh chịu” – lãnh đạo HDTC cho biết.