Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Việc cấp bách cần làm ngay

Đào Nguyên Lan| 29/09/2020 17:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch đang là một trong những vấn đề cần làm ngay của Hà Nội. “Thành phố vì hòa bình”, một Thủ đô Hà Nội “văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp” không thể bao quanh bởi dòng sông quá ô nhiễm, gây nhiều hệ lụy như sông Tô Lịch hiện nay.

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Trong khi đó, toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Ước tính, sông Tô Lịch chịu 150.000 mét khối xả thải ngày đêm. Nhiều năm nay, quá trình đô thị hóa đã làm Tô Lịch thực sự trở thành “dòng sông chết”, và vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch cũng đã được đưa ra từ nhiều năm trước đây.

Liên quan vấn đề này, nhiều lãnh đạo của thành phố thể hiện quyết tâm, không ít nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khá nhiều giải pháp được đưa ra, khá nhiều dự án được triển khai... tuy nhiên cho đến nay, sông Tô Lịch ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm và tình trạng này lại dường như ngày càng trầm trọng hơn...

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Việc cấp bách cần làm ngay

Sông Tô Lịch hầu như chỉ chứa bùn và chất thải. Ảnh: Việt Linh.

Sông Tô lịch hiện nay ô nhiễm đến mức nước dưới dòng sông luôn chỉ có một màu đen kịt, tuyệt diệt các loài thủy sinh. Mùi hôi thối bốc dưới lòng sông bốc lên nồng nặc suốt ngày đêm. khiến những ai có việc phải đi trên các con đường hai bên bờ sông dù đã đeo khẩu trang kín mặt mũi, cũng phải cố nín thở. Các căn nhà hai bên bờ sông hầu như suốt này phải đóng cửa.

Đã không ít lần tác giả bài viết này bắt gặp cảnh những vị khách nước ngoài phải bịt mũi, nhăn nhó khổ sở chạy trốn xa con sông. Chứng kiến cảnh tượng này, những ai là người dân Hà Nội khó mà tránh được một cảm giác ngượng ngùng, và những lúc đó niềm tự hào về Thủ đô Hà Nội chắc chắn cũng bị giảm đi không nhiều thì ít.

Có thể thấy rằng việc con sông nổi tiếng của Thủ đô quá ô nhiễm, bên cạnh những hệ lụy như làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, là nguyên nhân gây nên nhiều loại dịch bệnh, gây mất mỹ quan thành phố, đồng thời còn phần nào làm xấu đi hình ảnh Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.

Không những người dân Hà Nội, Việt Nam muốn khắc phục, cải tạo tình trạng này, mà ngay cả đến những bạn bè quốc tế yêu Hà Nội cũng muốn chung tay góp sức cải tạo, khắc phục dòng sông. Một số dự án có vốn tài trợ nước ngoài đã được thực hiện nhưng chưa đem lại nhiều kết quả. Tháng 5/2019, Công ty JVE Group của Nhật đã thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, xử lý nước bên trong lòng sông Tô Lịch bằng công nghệ sục khí Nano để phân hủy tận gốc toàn bộ ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo dư luận, đông đảo người dân Hà Nội đã rất bức xúc khi những kết quả khả quan ban đầu của dự án này đã bị “xóa sổ” sau khi một lượng lớn nước Hồ Tây được xả vào lòng sông Tô Lịch, cùng với quyết định chuyển sang sử dụng loại sản phẩm đưa từ Đức về để xử lý ô nhiễm sông hồ. Những động thái này thêm một lần nữa gây trở ngại cho việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, mong mỏi cháy bỏng của người dân Hà Thành suốt nhiều thập kỷ qua lại một lần lỡ nhịp.

Gần đây, một lần nữa công ty JVE đề xuất Dự án biến Tô Lịch thành một hệ thống cảnh quan "Công viên Lịch sử - văn hoá - tâm linh Tô Lịch" và cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Cụ thể, giải pháp tổng thể sẽ giải quyết các vấn đề như: Thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; việc thoát nước chống ngập khi mưa bão; đồng thời  bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch....

Tuy nhiên, để được chấp nhận triển khai, cơ quan quản lý cần làm rõ thông tin về nguồn vốn đầu tư, cụ thể: vốn đầu tư xã hội hóa từ Nhật Bản là vốn tư bản hay vốn tư nhân, vốn không hoàn lại, là viện trợ hay là khoản vay? Nếu vay thì ai, đơn vị nào sẽ thanh toán? Bởi thực tế từ quá trình triển khai các dự án đầu tư xã hội hoá, việc rõ ràng, minh bạch về nguồn tài chính cho một dự án là rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội. Đồng thời nếu dự án được triển khai, cần đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái...

Trước thông tin này, đông đảo người dân Hà Nội đang rất hy vọng, mong mỏi lãnh đạo thành phố nhanh chóng tiếp nhận, nghiên cứu, xem xét và nếu dự án có tính khả thi thì kịp thời cho triển khai để đem lại kết quả như mong muốn, góp phần hồi sinh dòng Tô Lịch, một cảnh quan lâu đời của Hà Nội, đồng thời đem lại những lợi ích to lớn cho quốc kế dân sinh, đáp ứng ước vọng chính đáng bao năm qua của nhân dân Thủ đô và cả nước.                                                             

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Việc cấp bách cần làm ngay