Bảo vệ người tiêu dùng

Xu hướng tiêu dùng năm 2024

Trang Nhi 12/02/2024 - 11:37

Từ sự gia tăng trải nghiệm đa kênh cho đến các hoạt động bền vững, là những bước phát triển quan trọng xác định lại cách người tiêu dùng mua sắm và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2024.

Thị trường tiêu dùng Việt Nam phát triển về chiều sâu

Dưới tác động của nền kinh tế vĩ mô hiện nay, số lượng người tiêu dùng gặp khó khăn về tài chính đã tăng lên đáng kể trong 3 năm qua. Tuy nhiên, sự lạc quan đang dần quay trở lại hoặc thậm chí gia tăng với kỳ vọng vào một 2024 tốt đẹp hơn.

Tăng trưởng GDP và sự phục hồi của các ngành chủ chốt (bán lẻ, tiêu dùng nhanh, ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa, v.v…) tạo ra sự tin tưởng và an tâm cho người dân về tương lai, đồng thời khôi phục mức độ sẵn sàng của họ để chi tiêu và đầu tư. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn (việc tìm kiếm này giúp người tiêu dùng đang chủ động so sánh giá giữa các kênh để tìm ra các ưu đãi tốt nhất), thúc đẩy hoạt động mua sắm và tạo động lực cho kinh tế nội địa.

xu-huong-tieu-dung-1.jpg
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu

Sự tăng trưởng kinh tế này chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh của Việt Nam, được hưởng lợi từ một trong những mức lương thấp nhất khu vực. Ngoài ra, lực lượng lao động được giáo dục tốt của đất nước đóng góp đáng kể vào sức mạnh kinh tế của đất nước.

Khảo sát của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy: Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ là các yếu tố rất được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Kantar Việt Nam cho biết, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG),… Bên cạnh đó, sự tiện lợi cũng sẽ chiếm ưu thế trong việc lựa chọn kênh mua sắm.

Một số người tiêu dùng còn sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh)… Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh”, “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường đang được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.

Trong khi đó, xu hướng cao cấp hóa lại được dự báo sẽ chậm lại trong thời gian tới, khi dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu từ người tiêu dùng chưa thực sự rõ nét. Họ có thể sẽ không cắt chi tiêu cho cho những mặt hàng thiết yếu và có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam năm 2024

Dưới đây là các xu hướng tiêu dùng được dự báo sẽ lên ngôi trong năm 2024.

Thứ nhất là tiêu dùng xanh, bền vững. Nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt khi 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Do đó, năm 2024, thị trường các sản phẩm xanh như rau củ quả hữu cơ, đồ ăn chay, rượu seltzers, bảo quản sinh học, năng lượng tái tạo… sẽ có nhiều cơ hội phát triển và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

xu-huong-tieu-dung-2.jpg
Dự báo Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam năm 2024 sẽ giúp các doanh nghiệp định hướng phù hợp trong kinh doanh, sản xuất

Thứ hai, xu hướng ẩm thực và đa dạng hóa thực đơn. Theo báo cáo của Trend Hunter, trong năm 2024, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các loại thực phẩm mới lạ, đa dạng về màu sắc, hương vị và dinh dưỡng. Một số xu hướng ẩm thực được dự báo sẽ phổ biến trong năm 2024 là: rau củ zero-carbon (không phát thải carbon khi sản xuất), snack dành cho trẻ sơ sinh (cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ), ẩm thực từ các loài cây bản địa (khai thác các loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, ít được biết đến), ẩm thực từ các loài sinh vật biển (tảo biển, san hô…).

Thứ ba, trải nghiệm mua sắm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Đây là xu hướng tiêu dùng ứng dụng công nghệ cao để mang lại trải nghiệm mua sắm mới lạ, thuận tiện và cá nhân hóa cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng tham gia trải nghiệm mua sắm ảo, nơi họ có thể thử sản phẩm, tương tác với người bán và người tiêu dùng khác thông qua các ứng dụng, nền tảng trực tuyến.

Thứ tư, sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi. Theo báo cáo của UNFPA, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do vậy, năm 2024, thị trường các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được kỳ vọng có nhiều đổi mới và phong phú hơn theo hướng an toàn, tiện ích.

Thứ năm, xu hướng tiết kiệm được duy trì. Theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Công ty Thanh toán điện tử Visa, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, thay vì chỉ trung thành với một lựa chọn nhất định. Ngoài ra, người tiêu dùng dù có ý định chi tiêu nhiều hơn, nhưng phần lớn vẫn chia sẻ nguyện vọng sẽ trích khoản ngân sách từ 10%-29% thu nhập cá nhân hàng tháng cho mục đích tiết kiệm.

Những dự báo về xu hướng tiêu dùng cho năm 2024 sẽ định hướng cho các doanh nghiệp bán lẻ trong kinh doanh, sản xuất, gia tăng về đa dạng hóa kênh bán hàng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tiêu dùng năm 2024