Thông tin về cây thuốc mang lại “hy vọng cho người ung thư máu” được chia sẻ và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội mấy ngày nay, vậy thực hư thế nào? Dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin về cây thuốc này.
Sau khi nam diễn viên, người mẫu Duy Nhân qua đời vì bệnh ung thư máu, trên facebook của một bạn tên Như Uyên có đăng thông tin về loại cây có tác dụng trong điều trị giảm tiểu cầu.
Câu chuyện về cây thuốc mang lại “hy vọng cho người ung thư máu”
Theo bạn gái này chia sẻ, khoảng nửa năm trước, nhà có một người bà con đi xét nghiệm bị ung thư máu phải nhập viện cách ly. Sau hai lần lấy tủy đau đớn, bác sĩ xác nhận là bị giảm tiểu cầu.
Cũng theo chủ nhân của facebook, giảm tiểu cầu cũng nằm trong nhóm các loại bệnh về máu, không nguy hiểm như ung thư máu nhưng sẽ gây ra các loại xuất huyết não, xuất huyết nội tạng…
Về vị thuốc có tác dụng trong việc làm tăng tiểu cầu, Như Uyên cho biết: “Thuốc Tây bao nhiêu cũng không hết, rồi tình cờ đọc thông tin trên internet: sâm đại hành lấy 2 củ/ ngày và hoa kim châm (hoa billy), 30 bông, đổ 3 chén (bát) nước, sau khi sắc (nấu) còn 1 chén (bát) thì dùng uống buổi sáng.
Cây sâm đại hành
Lúc đó, ai chỉ gì làm nấy, chỉ mong muốn thoát cơn nguy kịch. Vậy mà tiểu cầu tăng như người bình thường. Hiện đã sinh hoạt bình thường, không còn xanh xao, không còn ho ra máu, gia đình đều rất vui mừng”.
Cũng theo Như Uyên, bạn gái này chỉ muốn chia sẻ cho mọi người. “Mình không buôn bán kinh doanh gì ở đây và cũng không học Y, không chắc chắn 100% về việc sâm đại hành và bông kim châm có trị được bệnh ung thư không. Nhưng còn nước còn tát. Đã ung thư rồi thì còn gì phải sợ”.
Thông tin về cây thuốc “hy vọng cho người mắc bệnh ung thư máu” sau đó đã được chia sẻ trên diễn đàn Webtretho.
Cùng với những bình luận cho rằng “Các cây thảo dược không ai có thể phủ nhận công dụng của nó dù ít hay nhiều, nhưng để thảo dược đạt công dụng đầy đủ các bạn nên tìm hiểu thành phần xem thảo dược đó có độc tố gì nguy hiểm không”, thì tiếp đó có một thành viên chia sẻ về công dụng chữa ung thư máu trắng và các loại ung thư khác thông qua cơ chế “thải độc”.
“Cơ chế của việc chữa ung thư của nhiều trường hợp đã chữa khỏi mà không qua Tây y: thải độc. Và việc thải độc phổ biến mà những bệnh nhân ung thư khác chia sẻ cho mình là: uống nước nấu lá đu đủ, uống nước ép của hỗn hợp: dền đỏ + táo + cà rốt, uống trà tam thất xạ đen, uống nước nấu bồ công anh…”. thành viên này cho biết.
Một comment trên webtretho
Theo một số điện thoại Như Uyên cung cấp về nguồn giống cây sâm đại hành trên facebook, phóng viên đã gọi điện cho một bạn quê Yên Bái. Bạn gái này cho biết: “Mình chỉ nhận cho cây thôi chứ không buôn bán gì. Thông tin về sâm đại hành và bông kim châm chữa trị bệnh ung thư thực ra chưa có một nghiên cứu nào khẳng định điều đó. Thực tế hai vị này chỉ có tác dụng bổ sung cho những người thiếu máu. Mình cũng chưa biết tác dụng nó đến đâu. Và nếu để chữa thì cần thêm một số vị nữa và phải dùng trong thời gian dài”.
Tác dụng thực tế của sâm đại hành và hoa kim châm ra sao?
Trao đổi với bác sĩ Hoạt Mười hiện đang công tác tại Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam về tính vị và công năng của sâm đại hành, được biết:
Sâm đại hành thuộc họ lay ơn, còn có tên là tỏi Lào, hành đỏ, tỏi đỏ, phong nhan, hom búa lượt (Thái) có tên khoa học là Eleutherine bulbosa, E.longifolia, hay E.Subaphylla.
Sâm đại hành vị ngọt nhạt, tính bình, vào 3 kinh: can, tỳ, phế, có tác dụng giảm ho, cầm máu, tiêu độc, kháng khuẩn, tiêu viêm.
Củ sâm đại hành
Về công dụng, sâm đại hành có thể được sử dụng làm thuốc bổ máu, chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi; thuốc cầm máu dùng trong băng huyết, ho ra máu, bị thương chảy máu (dùng củ tươi, giã đắp); ngoài ra còn dùng chữa ho gà, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở.
Ở Indonesia, rễ sâm đại hành được dùng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm và sa trực tràng. Ở Philippines, người dân nơi đây dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn của cá độc, để nhổ gai ở chân, và đắp vào vết châm đốt của sâu bọ, vết thương, nhọt…
Còn về cây kim châm (hay kim trâm), theo BS. Mười, lá và hoa kim châm làm thuốc chữa đổ máu cam, an thai, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, làm yên ngũ tạng, khỏi bốc nóng, giúp ăn ngon ngủ yên, sáng mắt...
Rễ kim châm vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, lương huyết, chỉ huyết, được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa sốt, lỵ, nôn ra máu, đại tiện ra máu, sỏi tiết niệu. Rễ cây cũng có tác dụng chữa ho ra máu, viêm gan, vàng da, viêm tuyến mang tai, viêm tai giữa, đau răng. Lá và rễ giã đắp có thể trị sưng vú.
Bông kim châm
BS. Mười cũng đưa ra lời khuyên: “Mỗi người nên tự nhận biết các dấu hiệu của cơ thể thông qua các kênh thông tin y tế để phát hiện, nhận biết sớm bệnh ung thư máu để có phương pháp điều trị sớm. Khi có những dấu hiệu bất thường thì nên qua các cơ sở y tế khám sàng lọc để chẩn đoán chính xác tình trạng và thể bệnh của mình để điều trị phù hợp và đúng cách nhằm đạt hiệu quả cao nhất”.
Bác sĩ Mười khẳng định: “Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào về tính năng và công dụng của sâm đại hành và hoa kim châm đối với ung thư máu. Cũng không phải bệnh nào cũng có thể dùng hai loại cây này, mà phải tùy thuộc vào thể bệnh mà có những vị thuốc phù hợp để giúp bệnh nhân điều trị. Còn bệnh nhân muốn dùng thuốc đông y thì nên đến các bệnh viện y học cổ truyền để được tư vấn, khám và kê đơn”.
Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những thông tin bổ ích liên quan đến bệnh ung thư máu trong các bài viết tiếp theo.