Live Science đưa tin, một dải plasma dài đã vỡ ra ở cực bắc của Mặt Trời, tạo ra một cơn lốc xoáy lớn mà các nhà khoa học chưa thể giải thích được.
Theo đó, dải plasma hình vòng cung khổng lồ bắn lên từ bề mặt Mặt Trời, sau đó vỡ ra trong khí quyển và rơi xuống, bay vòng quanh cực bắc của ngôi sao với tốc độ hàng nghìn dặm một phút, rồi biến mất. Toàn bộ cảnh tượng kéo dài khoảng 8 giờ đã được ghi lại bởi Đài quan sát Động lực học Mặt Trời của NASA.
"Vật chất từ một điểm phía bắc Mặt Trời - được gọi là tai lửa - đã tách ra khỏi dải plasma chính và lưu thông trong một cơn lốc xoáy cực lớn quanh cực bắc của ngôi sao", nhà khoa học Tamitha Skov từ tổ chức nghiên cứu Aerospace Corporation ở California, người đã đăng đoạn video trên lên Twitter vào tuần trước, cho biết.
Xoáy plasma chưa từng thấy quay quanh cực bắc của Mặt Trời. Ảnh: NASA
Tai lửa là những vòng cung khổng lồ hình thành khi một dải plasma dài bắn ra khỏi bề mặt Mặt Trời. Những cấu trúc này rất phổ biến và có thể vươn cao hàng trăm nghìn dặm trong không gian khi plasma xoắn ốc dọc theo các đường sức từ của ngôi sao .
Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở đây là tai lửa đột nhiên vỡ ra và sau đó ở trong không khí nhiều giờ, xoay quanh cực bắc của Mặt Trời. Skov và các nhà nghiên cứu khác mô tả cơn lốc plasma này giống như xoáy cực - một loại hệ thống áp suất thấp tạo thành các vòng xoáy không khí lạnh lớn trên hai cực của Trái Đất vào mùa đông.
Scott McIntosh, nhà vật lý năng lượng và Phó Giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ ở Boulder, nhấn mạnh rằng plasma Mặt Trời hoạt động theo cách này là điều chưa từng thấy trước đây, nhưng cho biết đã ghi nhận nhiều dải plasma dài thường xuyên phun trào gần các đường vĩ độ 55 của ngôi sao, nơi tai lửa kỳ lạ được phát hiện.
Các dải plasma như vậy xuất hiện phổ biến hơn khi chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời tăng dần đến điểm cực đại. Trong thời kỳ đó, các đường sức từ của ngôi sao trở nên rối rắm và va chạm với tần số cao, tạo nên nhiều vết đen và giải phóng những dòng plasma lớn vào không gian. Cực đại Mặt Trời tiếp theo được dự đoán bắt đầu vào năm 2025 và hoạt động của ngôi sao rõ ràng đã tăng lên trong vài tháng qua.
Bản thân các dải plasma không gây ra mối đe dọa nào cho Trái Đất, nhưng chúng có thể dẫn đến việc giải phóng các đốm plasma và từ trường khổng lồ chuyển động nhanh, được gọi là hiện tượng phun trào vành nhật hoa (CME), theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Nếu một trong những đốm tích điện này hướng về Trái Đất, nó có thể làm hỏng các vệ tinh, gây ra sự cố lưới điện trên diện rộng và tạo nên cực quang nhiều màu sắc có thể nhìn thấy được ở các vĩ độ thấp hơn nhiều so với thông thường.