Đúng 10 năm trước, chiến lược cho một nền du lịch xanh của ASEAN hình thành. Nhưng những bước ngoặt giờ mới diễn ra.
Cách đây 10 năm, những bức ảnh xác hải âu của nhiếp ảnh gia Chris Jordan trở nên nổi tiếng toàn cầu.
Hãy dành một phút để đoán xem hình ảnh kinh hoàng này được chụp ở khu vực nào của thế giới? Hẳn nhiều người sẽ đoán đó phải là một khu vực đông dân. Trong ruột những con chim tội nghiệp đầy những mẩu rác nhựa mà hải âu nhầm với thức ăn thường ngày của chúng.
Bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Chris Jordan
Đó là những con hải âu ở Rạn san hô vòng Midway, nằm chính giữa Thái Bình Dương, gần như không có người ở, cách thành phố lớn gần nhất hàng nghìn cây số. Hơn một triệu con hải âu sống ở Midway, và con nào cũng có mẩu nhựa trong ruột.
Rác thải nhựa nằm trong ruột hải âu ở Midway đã được đẩy tới từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2010, tạp chí Science (Mỹ) công bố danh sách các quốc gia “quản lý kém chất thải nhựa nhất thế giới”. Trong top 8 có đến 5 nước Đông Nam Á. Đứng đầu là Indonesia. Việt Nam xếp thứ 2. Tiếp theo là Philippines, Thái Lan và Malaysia. Những thủ phạm hàng đầu của rác thải nhựa trôi dạt trên Thái Bình Dương.
Đông Nam Á không hề nhận ra mình trở thành một “điểm đen môi trường”, cho tới tận những năm đầu thế kỷ 21.
Trình độ phát triển kinh tế dường như không phải yếu tố then chốt: những nước Nam Á nghèo hơn, đông dân hơn như Ấn Độ và Bangladesh cũng không xả rác nhựa xuống biển kinh hoàng như vùng Đông Nam Á.
Du lịch không xanh
Khối ASEAN nhận ra họ phải hành động gấp. Và một trong những khu vực hành động nhanh nhất là du lịch.
Là bởi, một thống kê tại Bali (Indonesia) chỉ ra rằng một khách du lịch đến đảo này thải ra 1,7 kg rác thải mỗi ngày; trong khi dân địa phương chỉ thải ra 0,5 kg.
Năm 2011, tại Bali mỗi ngày có 13.000 mét khối rác phát sinh. Chỉ một nửa trong số này được xử lý. Phần còn lại vương chút ít trên mặt đất còn đâu đi thẳng xuống Thái Bình Dương.
Năm 2010, khi tổ chức lễ hội Trăng tròn (Full Moon Parties) tại đảo Koh Phangan, Thái Lan, mỗi ngày có 12 tấn rác được thải ra môi trường. Phần lớn trong số này cũng đi thẳng xuống biển.
Những niềm tự hào của nền du lịch Đông Nam Á dần trở thành các ẩn họa về môi trường. Năm 2009, một tổ công tác đặc biệt về du lịch của ASEAN nhóm họp tại Phnom Penh. Cuộc họp đưa ra quyết định xây dựng Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2011 - 2015. Trong đó, các nhà hoạch định chỉ ra rằng mục tiêu quan trọng nhất của ngành du lịch Đông Nam Á chính là “gia tăng lượng khách du lịch… bằng phát triển bền vững”.
Năm 2012, tại Indonesia, “Bộ tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN” được công bố. Ý nghĩa của bộ tiêu chuẩn này, được viết trong phần mở đầu: “Du lịch xanh phải được chuyển từ lời nói sang thực tiễn”.
Top các quốc gia xả rác nhựa xuống đại dương. Đơn vị: triệu tấn. Nguồn: Wall Street Journal.
Lời nói và hành động
Mọi thứ diễn ra khá chậm chạp. Bộ tiêu chuẩn dài gần hai chục trang có vẻ không dành cho tất cả mọi người: tập huấn nhân viên về môi trường; kế hoạch và báo cáo tiết kiệm nước; tự ứng dụng công nghệ tái chế rác; hay thậm chí là “chương trình hành động chống ô nhiễm tiếng ồn”… hàng chục đầu mục có vẻ như chỉ dành cho những resort 5 sao thừa tiền.
Du khách dọn rác trên bãi biển Hạ Long
Cán bộ nhân viên Sun Group tham gia nhặt rác trong Ngày xanh Sa Pa
“Tự nguyện” là từ khóa then chốt của du lịch xanh. Vì cuối cùng, ngành du lịch cũng chỉ chịu các ràng buộc pháp lý như mọi ngành khác. Chai nước, xà bông hay bàn chải đánh răng dùng một lần là những sản phẩm tiêu dùng phổ biến, ở hầu hết các nước chúng không bị đánh thuế cao hay chịu một rào cản kỹ thuật nào. Có ý thức thì hạn chế, cảm thấy tiện thì cứ dùng. Và ngay cả khi doanh nghiệp không phục vụ, khách du lịch vẫn sẽ đến và để lại rác thải vô cơ.
Sự trưởng thành của ngành du lịch các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng ở nửa cuối thập kỷ này. Đó là quãng thời gian ngành du lịch trưởng thành: trong Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016 - 2025, thậm chí phần “tăng trưởng khách du lịch” đã bị gạch đi so với bản cũ, chỉ còn “phát triển bền vững”.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort có một nhà bảo tồn với nỗ lực phát triển du lịch bền vững
Trong giai đoạn mới này, khách hàng chi trả nhiều tiền hơn: dự kiến từ 2016 đến 2025, chi tiêu của khách quốc tế đến Đông Nam Á sẽ tăng từ 877 USD lên 1.500 USD/người/chuyến. Tức là tăng gần gấp đôi. Một thế hệ tiêu dùng mới, những người millennials, đòi hỏi nhiều hơn về trách nhiệm xã hội của các nhà cung cấp. Họ lựa chọn khách sạn theo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.
Sự tự nguyện tăng lên. Lần đầu tiên, người ta thấy các vị khách đến với bờ biển không mang theo rác, mà làm điều ngược lại. Những hình ảnh như ở biển Bãi Cháy vào tháng 8/2019 có thể bắt gặp ở nhiều nơi tại Đông Nam Á. Đó là khi 200 tình nguyện viên là cán bộ, công nhân viên Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, các thành viên của Sun Group tại Hạ Long và thành viên diễn đàn Otofun Quảng Ninh dơ cao biển “đồng hành dọn rác”.
Từ bãi biển Mân Thái ở Đà Nẵng đến thị trấn Sa Pa, những người làm du lịch nhận vai mới: phất lá cờ bảo vệ môi trường - nguồn tài nguyên nuôi sống họ.
Và bây giờ, khi các khách sạn còn chưa đi vào hoạt động, như Sun Premier Village Hạ Long resort (mở cửa cuối năm 2019), đã đưa ra tuyên bố theo đuổi “Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN”.
Rác thải nhựa trở thành kẻ thù của ngành du lịch - như một nỗ lực xây dựng thương hiệu của từng khách sạn. Melia, VinPearl, Sun Group hay những du thuyền trên vịnh Hạ Long đều tuyên bố đoạn tuyệt với ống hút nhựa và đồ nhựa dùng một lần. Những cử chỉ nhỏ như sử dụng chai nước thủy tinh trong phòng nghỉ thay cho chai nhựa cũng được đề cao.
Sun Premier Village Hạ Long resort tuyên bố theo đuổi “Tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN”
Việc “nuôi” những ê kíp riêng để phụ trách các vấn đề môi trường và tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng không còn là điều quá xa xỉ với nhiều công ty lưu trú. Cá biệt như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, còn “nuôi” cả một nhà bảo tồn.
Những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam có thể không cứu được hệ tiêu hóa của những con hải âu Midway. Nhưng trong vai trò một ngành có khả năng biến đổi và thích nghi cao, du lịch đang chuyển vai thành một “học sinh gương mẫu” của nền kinh tế. Không lĩnh vực nào đề cao tài nguyên thiên nhiên như du lịch, và khi lá cờ bảo vệ môi trường được phất cao, khách du lịch và những người kinh doanh ngành này có thể trở thành đầu tàu trong việc bảo vệ môi trường: tác động ngược có thể diễn ra với thương mại, sản xuất công nghiệp hay thậm chí là nông nghiệp.