Xã hội

Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Thanh Phương 21/05/2023 10:03

Mường Lát (Thanh Hóa) muốn thoát nghèo bền vững thì phải có cuộc cách mạng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Chỉ khi phá bỏ được thành trì trông chờ, ỷ lại thì người dân mới tự tìm tòi, học hỏi, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương.

Khai phá thành trì trông chờ, ỷ lại

Đa phần người dân sinh sống tại Mường Lát là cộng đồng dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ mú và Kinh. Do sống ở khu vực biên giới, vùng núi cao, sông suối hiểm trở, dưới các tán rừng nên người dân được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng. Hộ cận nghèo, hộ nghèo (trên 65%) còn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ khác của nhà nước. Học sinh từ cấp 2 trở lên đi học tại các trường dân tộc nội trú được hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền khoảng 700 nghìn đồng/tháng).

a5thanhtri.jpg
Người dân thiếu sinh kế, con đường để xóa đói, giảm nghèo

Những chính sách này cơ bản đã giúp người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, một bộ phận người dân lại trông chờ vào nguồn chính sách hỗ trợ mà không chịu lao động, không tự vươn lên, đeo bám vào chính sách để sống qua ngày. Lâu dần thành căn bệnh trầm kha khó chữa.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca cho biết: Nhiệm vụ từ nay tới 2025 và tầm nhìn tới năm 2030 là đưa vùng đất phên dậu này thoát nghèo còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó có những nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng khó mấy thì vẫn phải làm, phải phá được cái thành trì bảo thủ, lạc hậu, trông chờ ở trợ cấp của Nhà nước. Ở đây chỉ là hỗ trợ để dân không bị đói, đứt bữa, chứ muốn vươn lên làm giàu thì phải tự sức của mình. Khi không chịu làm việc thì rất dễ sa vào các tệ nạn rượu chè bê tha, nghiện hút, buôn bán ma túy.

a4thanhtri.jpg
Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca trao đổi với PV

“Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án… để đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường. Chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, từ đó làm thay đổi tính trông chờ ỷ lại vào chế độ, chính sách của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cái bệnh này nó đã ăn sâu, bám rễ trong một bộ phận người dân và cả cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy mà phải có cách làm mới, sáng tạo, bốc đúng thuốc và trị đúng bệnh. Cái này sẽ ban hành hẳn một nghị quyết để triển khai thực hiện sâu, rộng, có hiệu quả.”, ông Ca nói.

Ban Tuyên giáo huyện uỷ phối hợp với UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn Hóa – Thông tin, Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện biên tập nội dung cốt lõi của nghị quyết để thường xuyên phát thanh trên đài phát thanh của huyện và phát thanh của 8 xã, thị trấn, bằng hình thức cop USB, qua mạng xã hội Zalo để phát trực tiếp qua loa kéo ở trung tâm các bản, khu phố.

a2thanhtri.jpg
Mô hình trồng rau, củ, quả sạch trên địa bàn thị trấn Mường Lát

Lắp đặt một số Pano ở các điểm trung tâm, nơi bà con nhân dân thường xuyên qua lại để lan tỏa tinh thần cốt lõi của Nghị quyết đến bà con nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của tinh thần tự lực, tự cường. Tiếp tục xây dựng các tin bài tuyên truyền về Nghị quyết bằng hai thứ tiếng (tiếng kinh và tiếng mông) để phát tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và qua mạng xã hội, sẽ hoàn thành trong tháng 4 năm 2023 để gửi cho các xã, thị trấn triển khai đến tận thôn bản.

Thanh Hóa những năm qua đang rất quan tâm tới các huyện miền núi phía Tây, trong hành trình tới thịnh vượng sẽ không để ai bỏ lại phía sau. Nhiều đề án được triển khai cơ bản xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, ma chay rườm rà, tốn kém… Cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô, đường nhựa được triển khai tới các trung tâm xã, hệ thống đường liên xã, liên thôn, bản được bê tông hóa. Hầu hết không còn bản nào là chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, trường học được đầu tư xây dựng khang trang có chỗ ăn ở cho học sinh. Trạm y tế và các chế độ đãi ngộ cho cán bộ được từng bước quan tâm đúng mức.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình phân trần: “Người dân mình cơ bản rất tốt, nhưng chưa phát huy hết được sức lao động của bản thân. Không ít người đã quen với việc trông chờ ở chính sách, có được cái gì thì dùng cái đó. Dân mình khổ, lạc hậu thì bây giờ phải tháo tung ra, cho họ thấy bên ngoài, thế giới đang phát triển ra sao. Phải khơi dậy, đánh thức được tinh thần tự tôn, tự hào của mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi người dân, có khát vọng vươn lên làm giàu”.

Triển khai bài bản, sâu rộng

Hiện nay Viện Nông nghiệp Thanh Hóa được giao chủ trì với các nhà khoa học lập bản đổ thổ nhưỡng, khí hậu cho các khu vực trên địa bàn huyện Mường Lát. Từ đó lựa chọn được cây, con chủ lực, phù hợp cho mỗi địa phương để xây dựng, phát triển. Cụ thể như trồng quế, trồng trẩu, chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn mán, các con đặc sản, trồng cỏ, trồng dưa, sắn... gắn với địa chỉ bao tiêu sản phẩm.

a7thanhtri.jpg
Huy động mọi cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải đi trước

Không ít các công ty, đơn vị đã được liên hệ về triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, mô hình trồng rau, hoa quả sạch. Nhà máy sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) đã ký kết với chính quyền địa phương, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm sắn cho người dân. Giải quyết được tình trạng ép giá, tranh bán, tranh mua. Khu vực xã Mường Lý đang triển khai mô hình nuôi cá lồng trên sông Mã. Người dân được tập huấn, hướng dẫn, cán bộ về tận nhà cầm tay chỉ việc, cách trồng, chăm sóc đối với các loại cây, con. Xây dựng từng mô hình nhỏ sau đó triển khai sâu, rộng đối với nhiều hộ dân trong bản. Đối với khu vực rừng nghèo kiệt cần rà soáy, quy hoạch chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất, trồng cây lương thực một cách phù hợp.

Chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Cao đẳng Nông Lâm và các trường nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, mô hình sản xuất, kinh doanh. Trong đó ngành may mặc, da giày được đào tạo gắn với địa chỉ cụ thể. Số lao động có trình độ, chịu khó, có khả năng học hỏi thì được định hướng đi xuất khẩu lao động. Mỗi người dân đi học tiếng sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng, không mất bất kỳ chi phí nào để đi lao động bên nước ngoài. Trong năm 2022, trên địa bàn toàn huyện có hơn 170 người đi xuất khẩu lao động với nguồn thu nhập ổn định.

calongth.jpg
Triển khai nuôi cá lồng trên sông Mã ở Mường Lý

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thanh Hóa chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định. Chủ động khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Mường Lát.

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn

Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về phát triển huyện Mường Lát tới năm 2025, tầm nhìn tới 2030 với nhiều nội dung, chính sách ưu tiên. Tuy nhiên còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Trong đó 8 huyện, thị, thành phố sẽ giúp đỡ 8 xã, thị trấn thuộc Mường Lát về cơ sở vật chất. Tuy nhiên quy định của luật, thể chế chưa rõ ràng nên đến nay các địa phương mới chỉ đang khảo sát, ghi nhớ chứ chưa hỗ trợ bằng công trình cụ thể.

a6thanhtri.jpg
Xuất khẩu lao động hương đi thoát nghèo cho nhiều họ gia đình

Theo quy hoạch sẽ thực hiện quy hoạch khoảng 10 ha đất công nghiệp tại bản Buốn thị trấn Mường Lát. Tuy nhiên, năm 2022 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021, huyện Mường Lát thì huyện không được phân bổ chỉ tiêu đất công nghiệp, do vậy chưa có cơ sở để triển khai quy hoạch cụm công nghiệp.

Nhiều chương trình đã triển khai nhưng không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí vốn, tài nguyên đất. Dự án lắp đặt hệ thống truyền thanh số ID do UBND các xã, thị trấn và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư nhưng chưa có hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn về kết cấu, kỹ thuật, dung lượng, tần số… trong khi cùng là một hệ thống truyền thanh nhưng kinh phí đầu tư lại khác nhau gây khó khăn cho việc lựa chọn thiết bị. Có 8/8 đài phát thanh thuộc các xã, thị trấn đều ngừng hoạt động do được đầu tư, lắp đặt, vận hành từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa được đầu tư thay thế, tu bổ.

taidinhcuth.jpg
Xây dựng các khu tái định cư cần phù hợp với tập quán, văn hóa người dân

Mường Lát là huyện miền núi cao, người dân sinh sống ven sông, suối, dưới chân đồi nên cần sớm sắp xếp, ổn định dân cư ở khu vực sung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai. Nhiều hộ dân sau mỗi mùa mưa bão thì bị nước lũ cuốn sạch nhà cửa, tài sản, vật nuôi. Theo khảo sát địa bàn huyện Mường Lát có 753 hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng của thiên tai. Dự kiến khắc phục giai đoạn 2021 – 2025 là 9 khu tái định cư tập trung, 8 khu tái định cư liền kề và 130 hộ xen ghép.

Do địa hình, địa chất tại huyện Mường Lát rất phức tạp, ảnh hưởng đến vốn đầu tư xây dựng, làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Do đó nếu không có cơ chế riêng (tăng định mức xây dựng các khu tái định cư) cho các dự án thực hiện trên địa bàn huyện Mường Lát thì rất khó để triển khai các dự án hoàn thành, đạt mục tiêu ban đầu đề ra.

Mường Lát giáp danh với nước bạn Lào có cửa khẩu Tén Tằn giúp việc giao thương, buôn bán, du lịch của người dân được thuận lợi. Đề án phát triển Du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 chưa được UBND tỉnh phê duyệt vì vậy huyện chưa có căn cứ để xây dựng Kế hoạch tổng thể, Kế hoạch phân kỳ và phương án tổ chức thực hiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại