Gần đây, hàng loạt các vụ cháy chung cư do Xí nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư. Sau vụ cháy chung cư CT4 Xa La (Hà Đông) dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng đơn vị này đã phớt lờ các quy định về PCCC?.
Trong một văn bản gửi UBND TP Hà Nội mới đây, lãnh đạo Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã kiến nghị UBND TP không cấp phép xây dựng các dự án mới cho Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên, cho đến khi đơn vị này thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị về PCCC tại các khu chung cư do xí nghiệp làm chủ đầu tư.
Mới đây nhất, sau vụ cháy chung cư CT4 Khu đô thị Xa La xảy ra vào ngày 11/10, mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản của người dân, khiến cho cuộc sống của cư dân nơi đây bị đảo lộn, các gia đình buộc phải sơ tán để đảm bảo an toàn.
Cảnh sát PC&CC tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở chung cư CT4 Khu đô thị Xa La
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, chung cư CT4 Khu đô thị Xa La thuộc quản lý của Phòng Cảnh sát PC&CC số 9, phụ trách khu vực quận Hà Đông. Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều ngày 12/10, vị lãnh đạo này đã khẳng định, chung cư CT4 Xa La không chấp hành đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Trước đó, ngày 3/11/2014, Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng cháy chữa cháy, do đại tá Sơn làm Phó trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra tại cụm chung cư CT4 Xa La. Đoàn liên ngành ghi nhận, cụm chung cư CT4 ở khu đô thị Xa La đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy nhưng chưa đầy đủ, cái cần có thì không có và đơn giản là những quy định tối thiểu về PCCC đối với tòa nhà cao tầng cũng không được chấp hành.
“Qua kiểm tra, cụm chung cư CT4 Xa La cũng đảm bảo được một số yếu tố như xe chữa cháy có thể tiếp cận được tòa nhà; có hệ thống chữa cháy tự động lắp tại tầng hầm, họng tiếp nước, trụ nước chữa cháy ngoài tòa nhà, bình chữa cháy cục bộ, hệ thống báo cháy, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ.
Sau khi kiểm tra, Đoàn đã có kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo công tác PCCC nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện. Và để xảy ra cháy lớn tại chung cư CT4 ngày 11/10, trách nhiệm lớn thuộc về chủ đầu tư.
Nếu ngay sau khi kiến nghị của lực lượng PCCC, chủ đầu tư thực hiện trang bị đầy đủ như thiết kế hệ thống hút khói, lắp bổ sung hệ thống tăng áp ở khu vực thoát hiểm để bơm khí tươi liên tục vào khi có sự cố, ở khu vực thông tầng dùng vật liệu chống cháy bịt kín thì chắc chắn khói không xông khắp các tầng của tòa nhà mà bị nhốt ở dưới tầng hầm rồi được giải thoát bởi hệ thống hút khói ra ngoài.
Khói không tích tụ được lâu trong hầm sẽ không gây tăng nhiệt độ khiến quá trình cháy lan bị hạn chế chậm hơn. Khi đó, cộng với tác động của lực lượng PCCC thì chắc chắn, hiệu quả khống chế đám cháy sẽ tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại về tài sản”, ông Sơn cho biết.
Bơm nước trong tầng hầm
Về nguyên nhân vụ cháy chung cư CT4, đại tá Sơn cho biết, chưa có kết luận chính xác do công tác giám định hiện trường đám cháy chưa xong. Tuy nhiên, căn cứ theo lời khai của người dân rằng trước khi đám cháy xảy ra đã phát hiện điện của tòa nhà chập chờn, không ổn định. Sau một thời gian ngắn thì có tiếng nổ lớn ở tầng hầm. Sau tiếng nổ ấy là mất điện toàn bộ tòa nhà và đám cháy bùng phát. Từ đó, có thể nhận định nguyên nhân bùng phát đám cháy từ nguồn điện trong tòa nhà.
Đại tá Sơn cho biết thêm Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hà Nội từng kiến nghị UBND TP.Hà Nội xử phạt 133 triệu đồng đối với Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên về các lỗi ở chung cư CT4 Xa La như đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; không tổ chức thực hiện văn bản PCCC của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Một vấn đề nữa đặt ra sau vụ cháy xảy ra tại chung cư CT4 là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân về con số hàng trăm phương tiện bị thiêu rụi.
Các luật sư cho rằng, trước hết cơ quan chức năng cần phải xác định rõ nguyên nhân gây cháy và các điều kiện về phòng, chống cháy được áp dụng, sử dụng tại khu chung cư này. Nếu như khu chung cư không được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo Điều 16 và Điều 23 Luật PC&CC, đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản (nếu có) của người dân sinh sống tại khu chung cư cũng như những người có mặt hợp pháp tại khu chung cư tại thời điểm xảy ra cháy, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại này.
Tuy nhiên cũng cần phải xem xét nguyên nhân có nằm trong diện bất khả kháng hay không, nếu là nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm của đơn vị vận hành, quản lý, trông coi hoặc chủ đầu tư được loại trừ. Còn nếu nguyên nhân do các đơn vị này thì phải có bồi thường cho cư dân bị hại.
Việc bồi thường dựa trên thỏa thuận của hai bên, nếu cư dân thấy không thỏa đáng thì có thể khởi kiện để đòi quyền lợi.