Ngày 27/4, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phần xét hỏi vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế” đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần và Đóng gói Thủy hải sản (Công ty USPC).
Tại phần xét hỏi ông Byron, Tổng giám đốc Công ty USPC, HĐXX đặt vấn đề: “Vì sao ông lại làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng Việt Nam để kêu oan giúp bị cáo Trang?”. Ông Byron cho rằng, vì biết bà Trang bị oan nên kêu giúp.
Còn lô hàng cá ngừ hơn 23 tấn nguyên liệu, ông Byron khẳng định: Công ty USPC gia công cho Công ty Tuna Fish Bình Định (Công ty Tuna Bình Định), hợp đồng do ông Đỗ Tấn Vinh làm Giám đốc ký. Sau khi gia công xong, Công ty USPC thông báo cho Công ty Tuna Bình Định lấy hàng nhưng không nhận được phản hồi. Một thời gian sau, họ có nhờ chúng tôi xuất khẩu ủy thác lô hàng cá ngừ thành phẩm. Chúng tôi đồng ý và ông Vinh đã ký hợp đồng ủy thác này. Việc xuất khẩu hàng ra nước ngoài và giấy tờ hải quan tôi là người trực tiếp ký.
Trả lời câu hỏi liên quan đến lô hàng USPC xuất khẩu ủy thác, vì sao có thông tin hàng đã đến Mỹ nhưng ông lại khẳng định hàng mới đến Singapore thì được triệu hồi về, ông Byron cho biết, USPC ký kết việc vận chuyển hàng xuất khẩu với hãng tàu APL và lô hàng xuất khẩu này được vận chuyển từ Việt Nam quá cảnh ở Singapore để vận chuyển lên tàu mẹ trước khi đến Hoa Kỳ. Khi hàng đến Singapore thì USPC nhận được yêu cầu của Công ty Tuna Bình Định nên triệu hồi hàng về.
Bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang trả lời HĐXX
Tiếp tục phần xét đối với ông Byron, Đại diện VKS, các luật sư tập trung đưa các câu hỏi cụ thể về quá trình ký kết hợp đồng, phương thức vận chuyển, người mua hàng ở nước ngoài và việc triệu hồi lô hàng đối với việc xuất khẩu ủy thác lô hàng cá ngừ thành phẩm của Công ty Tuna Bình Định. Về phạm vi ủy quyền và thực tiễn đối với các hoạt động giao dịch của bà Trang theo giấy ủy quyền của ông Byron ngày 31/12/2011 tại công ty USPC.
Ông Byron cho biết, toàn quá trình về việc ủy thác xuất khẩu này, ông là người trực tiếp chỉ đạo, bà Trang chỉ là người thừa hành thực hiện các công việc theo phân công của ông Byron.
Luật sư hỏi việc VKS truy tố bà Trang với tội Trốn thuế và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có đúng không? Ông Byron cho rằng, việc VKS truy tố đối với cá nhân bà Trang là không đúng vì bà Trang không hề chiếm đoạt lô hàng cũng như trốn thuế. Đây là lô hàng mà Công ty USPC đã xuất khẩu ủy thác theo hợp đồng ký kết với Công ty Tuna Bình Định trước đó. Khi bà Sâm đại diện cho Công ty Tuna Bình Định yêu cầu triệu hồi lô hàng, Công ty USPC đã triệu hồi lô hàng về để trả lại cho Công ty Tuna Bình Định. Còn tiền nộp thuế đối với lô hàng nhập về từ Singapore, ông Byron khẳng định số tiền này do Công ty USPC nộp không phải của cá nhân bà Trang.
Đồng thời, để khẳng định cho quan điểm này của mình, ông Byron đã trưng ra Công văn 1401 ngày 26/12/2016 của Agribank chi nhánh Bình Định. Theo đó, Công văn 1401 nêu rằng, tháng 8/2012, Công ty Tuna Bình Định do ông Đỗ Tấn Vinh làm người đại diện theo pháp luật và là giám đốc có vay của Agribank chi nhánh Bình Định số tiền 150.000 USD và 2.868.000.000 đồng (theo Hợp đồng tín dụng số 4300 ngày 20/8/2012).
Công văn của Agribank chi nhánh Bình Định
Mục đích vay vốn của Công ty Tuna Bình Định là để thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu. Công ty Tuna Bình Định đã cung cấp cho Agribank chi nhánh Bình Định tài liệu chứng minh cho việc sử dụng vốn vay là các hợp đồng kinh tế mà Công ty Tuna Bình Định đã ký kết với Công ty USPC, bao gồm Hợp đồng gia công chế biến hàng đông lạnh số 003 ngày 28/7/2012 và Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 001 ngày 25/9/2012 (Hợp đồng ủy thác có giá trị 146.566 USD). Số thủy sản gia công công chế biến theo các hợp đồng này là tài sản được hình thành từ nguồn vốn mà Công ty Tuna Bình Định đã vay của Agribank chi nhánh Bình Định.
Tiếp tục phần xét hỏi, HĐXX, đại diện VKS, các luật sư đã hỏi đại diện hãng tàu APL, bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang, ông Đỗ Tấn Vinh (đại diện cho Công ty Tuna Bình Định), đại diện Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần, Giám định viên Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, các nhân viên trực tiếp làm thủ tục hải quan đối với lô hàng cá ngừ thành phẩm mà Công ty USPC đã xuất và tái nhập khẩu.
Theo đó, đại diện hãng tàu APL giải thích, lô hàng của Công ty USPC được vận chuyển từ TP HCM quá cảnh tại Singapore để chuyển lên tàu mẹ đi đến Mỹ. Và thực tế, hãng tàu có ký vận chuyển hai lô hàng xuất và nhập khẩu cho Công ty USPC có liên quan đến vụ án. Điều phù hợp với lời khai của ông Byron trước đó.
Ngoài ra, đại diện hãng tàu APL còn giải thích về lộ trình của các lô hàng xuất và nhập của Công ty USPC. Những vấn đề liên quan đến thủ tục thông quan, tính pháp lý của lô hàng mà hãng tàu vận chuyển.
Trả lời tại phiên tòa, bị cáo Trang cho biết: “Mặc dù được ông Byron ủy quyền nhưng tất cả các công việc liên quan đến công ty đều do ông Byron quyết định trước khi ký. Còn Hợp đồng gia công lô hàng thứ 3 là Công ty USPC ký kết với Công ty Tuna Bình Định. Việc bà Sâm cho rằng, gia công trước lập hợp đồng sau là không đúng”.
Bị cáo Trang giải thích thêm, đây là lô hàng Công ty USPC gia công cho Công ty Tuna Bình Định. Sau khi gia công xong, Công ty USPC có đề nghị Công ty Tuna Bình Định lấy hàng. Công ty Tuna Bình Định có lấy hơn 2 tấn hàng đi Nha Trang bán không được đã nhập hàng về kho Công ty USPC. Phụ phẩm còn lại Công ty Tuna Bình Định đã nhận về. Sau đó, Công ty Tuna Bình Định đề nghị bán giùm lô hàng này. Hồ sơ do bộ phận xuất khẩu lập công ty lập. Bị cáo chỉ ký và làm theo chỉ đạo của ông Byron. Tất cả các vấn đề liên quan đến xuất kho, nhập kho và tài chính của Công ty USPC do ông Byron quyết định. Đây không phải là lĩnh vực bà được ông Byron phân công, ủy quyền. Tiền chuyển về Công ty USPC, bị cáo không thể rút ra vì ông Byron là chủ tài khoản.
Ngoài ra, các câu hỏi tập trung vào làm rõ về việc bị cáo Trang có hay không thụ hưởng đối với việc chiếm đoạt tài sản của Công ty Tuna Bình Định.
Về số tiền nộp thuế đối với lô hàng mà Công ty USPC triệu hồi, ai là người phải chi trả? Theo ông Byron cũng như Giám định viên của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thì Công ty USPC là người phải nộp số tiền thuế nhập khẩu này.
Tại phiên tòa, ông Đỗ Tấn Vinh khẳng định: “Công ty Tuna Bình Định chưa có quan hệ gì với Công ty USPC. Tôi không có ký bất kỳ hợp đồng nào với Công ty USPC để gia công và ủy thác xuất khẩu. Ông Vinh cho rằng đây là chữ ký giả. Lô hàng nguyên liệu giao cho Công ty USPC là của Công ty Vinh Sâm”.
Khi HĐXX, đại diện VKS, các luật sư đặt vấn đề về Hợp đồng vay vốn của Công ty Tuna Bình Định với Agribank chi nhánh Bình Định cung cấp hai hợp đồng ký với Công ty USPC để vay 6 tỷ (gồm ngoại tệ và VND). Ông Vinh trả lời không nhớ.
Để làm rõ về hợp đồng gia công và ủy thác xuất khẩu giữa Công ty Tuna Bình Định với Công ty USPC, các luật sư và đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra lại.
Sau khi hội ý, HĐXX đã chấp nhận đề nghị và quyết định hoãn phiên tòa trả hồ sơ điều tra lại.