Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì về Công văn đóng dấu "mật"?

Nguyễn Nam Anh| 13/06/2019 13:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (13/6), phiên tòa xét xử phúc thẩm với các bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình khiến nhiều người tử vong bước sang ngày làm việc thứ 2, đại diện của Bộ Y tế có mặt và nói về Công văn có đóng dấu "mật".

Quan điểm của Bộ Y tế trong Công văn số 41

Theo đó, để đưa vụ án ra xét xử một cách khách quan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hòa Bình đã mời đại diện của Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì về Công văn đóng dấu

Đại diện Bô Y tế, ông Nguyễn Huy Quang có mặt tại tòa từ sáng sớm

Theo chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Vận, việc mời Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự đến phiên tòa là để Bộ Y tế trình bày quan điểm được nêu tại Công văn số 41 có đóng dấu mật và Công văn số 2569 do Bộ Y tế gửi TAND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan Trung ương trước khi phiên tòa diễn ra.

Trước khi phiên tòa diễn ra, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình trả lời Bộ Y tế về Công văn 41.

Công văn 41 chủ yếu nói về nội dung giám định y khoa nên Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng đã được mời lên để làm rõ, từ đó giúp HĐXX xem xét, đánh giá toàn diện vụ án.

Đây là công văn đóng dấu “mật” nên không được HĐXX công bố tại phiên tòa, tuy nhiên theo những gì diễn ra tại phiên tòa, đây là công văn Bộ Y tế đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cần thận trọng khi đưa ra những đánh giá.

Đại diện Bộ Y tế có các ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Minh Tuấn, Cục trưởng Cục Trang thiết bị và Công trình y tế cùng một số lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có các chuyên gia đến từ Bệnh Viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội. Còn về phía Viện Khoa học hình sự, có 4 cán bộ có mặt tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết: Trước tiên, cần phải nói rõ Công văn 41 ngày 6/3/2019 của Bộ Y tế có đóng dấu “mật” nên rất khó cho HĐXX và đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa để làm sao vừa làm rõ nội dung công văn, vừa đảm bảo tính bí mật theo đúng bản chất của công văn.

Kể cả Công văn ngày 26/3/2019 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Y tế do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký yêu cầu Bộ Y tế phối hợp làm rõ cũng được đóng dấu “mật”.

Các công văn đều là công văn mật nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bảo vệ bí mật. Do vậy, ông Quang lo ngại việc trả lời trước tòa sẽ vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì về Công văn đóng dấu

Ông Nguyễn Huy Quang trình bày trước HĐXX

Ngay say đó, vị chủ tọa cho biết: Sau khi nhận được Công văn 41, các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình gồm Tòa án, Công an tỉnh và VKS đã trả lời quan điểm của Bộ Y tế và cũng đã báo cáo liên ngành. Trong vấn đề này, Bộ Công an sẽ trả lời bằng văn bản cho Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu để nói rõ quan điểm của 3 ngành về vấn đề này là như thế nào, chủ tọa Nguyễn Văn Vận nói: “Chúng tôi đã xin phép Trung ương mời Bộ Y tế lên để trình bày quan điểm, tất nhiên không phải chi tiết, để Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an trả lời căn cứ mà công văn nêu ra”.

Vị chủ tọa tiếp tục: “Còn về văn bản cụ thể, chắc chắn sẽ có văn bản gửi Thủ tướng, nhưng hôm nay chỉ tóm tắt những quan điểm của Bộ Y tế. Tòa án xét xử trên cơ sở kết luận giám định, còn để luận giải về khoa học thì sẽ cần phải có hội thảo khoa học. Cần có sự xem xét cho rõ ràng để tránh oan sai, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an sẽ trả lời khi vụ án xảy ra thu thập chứng cứ như thế nào, kết luận giám định dựa trên cơ sở nào. Đây không phải là hội thảo khoa học, do vậy chúng ta không đi quá chi tiết vì đây là tài liệu mật”.

Trình  bày trước HĐXX, nêu quan điểm của Bộ Y tế về Công văn 41, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, trên cơ sở kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm; cùng với tài liệu các bản vẽ do Bùi Mạnh Quốc vẽ, Bộ Y tế cho rằng có một số luận điểm căn cứ chưa đảm bảo khoa học, cần làm rõ các vấn đề sau:

"Thứ nhất, chúng tôi đặt ra câu hỏi có phải nguyên nhân 8 nạn nhân tử vong đều do ngộ độc Florua? Trên thế giới hiện tượng ngộ độc Florua là “vô cùng hiếm gặp”. Có thể thấy, các nạn nhân đều sốc phản vệ. Do đó, kết luận điều tra không phù hợp với diễn biến lâm sàng của nạn nhân.

Trong luận giải của Bộ Y tế, nguồn nước nhiễm bẩn từ vòng tuần hoàn xâm nhập vào hệ thống và gây nguyên nhân tử vong. Do vậy, nguyên nhân tử vong có thể là do nhiễm đa chất", Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế phân tích.

Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì về Công văn đóng dấu

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, một số vấn đề nữa cần phải chứng minh, vì sao trước đó Bùi Mạnh Quốc (người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO 2) bảo trì hệ thống RO 2 nhưng không gây ra hậu quả? Vì sao những lần trước khi bảo trì hệ thống RO 2, Bùi Mạnh Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà bệnh nhân không chết? Vì sao Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình không bảo dưỡng cả hai hệ thống RO 1 và RO 2 trong khi hai hệ thống này thông nhau? Vì sao kết luận điều tra chỉ có HF?

Ông Nguyễn Huy Quang đặt thêm câu hỏi: Vì sao khi vụ án chưa xét xử xong mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình lại cho phép bệnh viện phá bỏ hệ thống RO 2, trong khi đây là vật chứng rất quan trọng của vụ án?

Theo đó, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng cần thiết dựng lại hiện trường để thực nghiệm vụ án và xem xét toàn diện việc điều tra các hư hại để điều tra nguyên nhân gây tử vong.

Đại diện Bộ Y tế tiếp tục đặt câu hỏi "Có cần thiết trưng cầu giám định pháp y, thậm chí tổ chức giám định pháp y quốc tế?"

Nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình xin miễn hình phạt

Trước đó, tại phiên tòa xét xử chiều qua, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ trách nhiệm cũng như mức án của bị cáo trong vụ án này, bị cáo Dương nói: “Rất mong HĐXX cân nhắc, đánh giá các yếu tố khách quan, chủ quan trực tiếp, gián tiếp về vai trò của bị cáo. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đề nghị xin được miễn hình phạt hoặc xin hưởng án treo”.

Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì về Công văn đóng dấu

Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình trình bày trước HĐXX

Bản án sơ thẩm trước đó đã tuyên phạt bị cáo Dương mức án 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tuy nhiên bị cáo cho rằng mức án này không thỏa đáng. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã xin được miễn trách nhiệm hình sự hoặc xin hưởng án treo.

Theo bị cáo Dương khai, bị cáo được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình từ năm 2002 - 2017. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện, năm 2009, BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn ký hợp đồng liên kết đặt máy chạy thận tại bệnh viện thông qua hình thức khai thác – chuyển giao.

Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, có 18 máy chạy thận hoạt động, trong đó có 5 máy thuộc quyền sở hữu và khai thác của Thiên Sơn, 13 máy còn lại đã được bàn giao cho bệnh viện.

Về Hợp đồng số 315 ngày 25/5/2017 ký giữa Bệnh viện và Thiên Sơn với nội dung sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hệ thống RO 2, Trương Quý Dương khai hợp đồng được ký chiều 25/5 tại phòng làm việc của Giám đốc bệnh viện sau khi Đỗ Anh Tuấn trực tiếp thương thảo với Trương Quý Dương.

Bị cáo khai sau sự cố y xảy ra đã chỉ đạo Phó Giám đốc Hoàng Đình Khiếu xin trợ giúp từ Bệnh Viện Bạch Mai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế nói gì về Công văn đóng dấu "mật"?