Xét xử vụ án làm, sử dụng tài liệu giả tại Hải Dương

Nhóm PV| 29/12/2021 11:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 27 và 28/12, TAND tỉnh Hải Dương đã đưa vụ án “Làm và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” ra xét xử. Tại toà, đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa đã có những tranh luận “nảy lửa” xung quanh quá trình điều tra, truy tố và các căn cứ buộc tội với 4 bị cáo.

Các bị cáo trong vụ án gồm: B.T.T (hiện đã nghỉ việc), Đ.T.L.Th, L.T.H là nhân viên Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam địa chỉ tại KCN Đại An, tỉnh Hải Dương và L.T.Hi nhân viên Công ty TNHH Sản xuất giấy và Văn phòng phẩm Thiên Tường địa chỉ tại Thanh Hà, Hải Dương (tên các bị cáo đề nghị HĐXX được giấu tên, không công khai).

z3063349747348_b26d0ff9319cedb953e4cf19ff7fe540.jpg
Các bị cáo tại phiên xét xử

Theo Cáo trạng số 40/CT-VKS-P2 của VKSND tỉnh Hải Dương: Khoảng tháng 11/2016, tháng 05/2017, tháng 8/2018, T là Trưởng phòng Hành chính nhân sự của Công ty TNHH Ge Shen Việt Nam đã thực hiện hành vi giao cho Th, H, liên hệ, thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng cho Huang Zhao Ling (nữ, quốc tịch Trung Quốc) với giá 6 triệu đồng/1 bộ để làm giấy chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại CHND Trung Hoa trong giấy chứng nhận chuyên gia cho Wen Guang Hua, Deng TuHua, Tan Ben Jun là người Trung Quốc.

Sau đó, Ling đã làm giả 3 bộ hồ sơ cho 3 người kể trên. Tiếp đến Th làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho Wen Guang Hua và Deng TuHua; H làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho Tan BenJun để làm việc tại Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam.

Trong vụ án này, VKSND tỉnh Hải Dương còn xác định: Khoảng tháng 05/2019, L.T.Hi thông qua T và thuê Huang Shao Ling làm giả giấy chứng nhận chuyên gia có hợp pháp hóa lãnh sự với giá 6triệu/1 bộ cho 4 người Trung Quốc có tên: Hong Yu Kai, Hong Yu Biao, Hong Chen Liu và Li Qing Heng. Sau đó, L.T.Hi sử dụng 04 hồ sơ đó nộp cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đề nghị xin cấp giấy phép lao động.

Tại toà, trả lời HĐXX, cả 4 bị cáo đều cho rằng bản thân hoàn toàn không biết quá trình làm hồ sơ xin chứng nhận chuyên gia là giả. Chỉ đến khi, cơ quan điều tra có thông báo có kết luận giám định thì mới biết. Bị cáo L.T.Hi cho biết bản thân không quen biết T ngoài đời, chỉ biết qua mạng xã hội Skype. Bị cáo đăng lên nhóm về nhân sự để hỏi thủ tục cấp giấy chứng nhận chuyên gia thì được cho số điện thoại của Ling. Bị cáo không phải trả chi phí cho chị T rồi tự liên hệ Ling làm hồ sơ. Đồng thời, L.T.Hi trao đổi với T thì được hướng dẫn các thủ tục, giấy tờ cần thiết theo đúng quy định của pháp luật như một số mẫu biểu phải có, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc. T hoàn toàn không trao đổi, thúc giục trong quá trình làm hồ sơ và có trả lời giấy tờ phía Ling là thật.

Đối với hai bị cáo Th và H khai nhận làm theo chỉ đạo của T. Cả 2 liên hệ với Ling do số điện thoại từ T cung cấp và T không chỉ đạo đi làm giấy tờ giả. Tuy nhiên, bị cáo T hoàn toàn không đồng ý với các lời khai này và cho rằng bản thân không phải là trưởng phòng Hành chính nhân sự của công ty nên không chỉ đạo Th, H.

T không có thẩm quyền tuyển dụng với 3 lao động người Trung Quốc, chỉ truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của ông Goh Eng Yau (hiện là giám đốc nhà máy, trước đây là trưởng phòng kỹ thuật) rồi cho số của Ling (do ông Goh đưa) tới mọi người. Bị cáo T khai chỉ một lần duy nhất gọi điện cho Ling để hỏi lại chi phí làm dịch vụ về giấy tờ, hoàn toàn không có trao đổi, liên hệ vì vậy lời khai cho rằng bị cáo chỉ đạo là không đúng.

Đặc biệt, khai báo trước HĐXX, bị cáo T đã cho rằng tại một số buổi hỏi cung điều tra viên không cho đọc lại lời khai và buổi đối chất giữa bị cáo và ông Goh thì đã có dấu hiệu “mớm cung” của điều tra viên để ông Goh khai báo không trung thực. 

Liên quan tới những vấn đề này, tại phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Hải Dương cho rằng hành vi của các bị cáo là mua bán giấy tờ, không phải làm dịch vụ.  Đoạn nói chuyện qua mạng xã hội giữa  bị cáo T và L.T.Hi có thể hiện. Cáo trạng truy tố là có căn cứ.

Tranh luận với đại diện VKS, luật sư Vũ Công Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nhận thức của các bị cáo đều không biết dịch vụ này là giả nên không phạm tội làm và sử dụng tài liệu giả như VKS quy kết...Việc sử dụng dịch vụ này pháp luật không cấm, lao động Trung Quốc đều do công ty tuyển dụng. Các bị cáo hoàn toàn không được hưởng lợi.

“Đại diện VKS cho rằng có từ “mua” trong đoạn nói chuyện là căn cứ buộc tội nhưng lại không làm hết nội dung cuộc nói chuyện. Đồng thời, các cơ quan tố tụng cũng chưa có việc đối chất giữa 3 người Trung Quốc với 3 bị cáo. Việc đánh giá trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ khi ai là người chỉ đạo các bị cáo làm giả chưa được xác định. Hồ sơ tại Công ty Thiên Tường đều do giám đốc ký, chỉ đạo nhưng chỉ có bị cáo L.T.Hi bị khởi tố còn người đứng đầu không xử lý”- luật sư Dũng nêu quan điểm.

Trong khi đó, với hành vi sử dụng tài liệu giả, luật sư Trần Quốc Toản, Văn phòng luật sư Trần Quốc Toản, Hà Nội cho rằng: Nếu xác định mua bán thì Công ty Ge –sheng đã trả tiền thì phải xác định đó là người mua vì các bị cáo hoàn toàn không có nhu cầu, được lãnh đạo công ty giao. Người sử dụng lao động là công ty nên chính đơn vị này là người sử dụng, trả tiền dịch vụ làm giấy phép. VKS  không thể buộc tội theo ý chí chủ quan, đề nghị tranh luận lại. Luật sư Toản cũng đề nghị kiểm sát viên viện dẫn quy định nào  cấm dịch vụ này và đồng thời khẳng định pháp luật Việt Nam không cấm.

“Đồng thời, các cơ quan điều tra tố tụng chưa xác định được ai đã làm ra những tài liệu giả thì không thể quy kết cho các bị cáo phạm tội làm giả tài liệu. Bởi khi khám xét nhà bị can Ling thì có thu giữ được một số tài liệu nhưng chưa làm rõ được là của ai và do đâu mà có nên cũng không thể quy kết Ling làm giả bởi Ling cũng khai nhờ một người có tên Hồng Sinh giúp làm dịch vụ đó mà có”- luật sư Toản tranh luận.

z3063361473688_6c6250d73d6aedb5cc21b75741a7a5c1.jpg
Luật sư Toản và các luật sư tranh luận tại toà

Tiếp tục đề nghị tranh luận, luật sư Nguyễn Công Quyền, Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng các cơ quan điều tra, tố tụng chưa làm rõ vai trò đồng phạm của bị cáo T, chưa chứng minh được ai làm giả, người trực tiếp phạm tội chưa được làm rõ nên không thể quy kết bị cáo T là đồng phạm, xúi giục hay tổ chức thực hiện. “Ai là người trực tiếp giao nhiệm vụ, ai chỉ đạo các bị cáo ở tổ nhân sự này ?”- các luật sư đặt câu hỏi tranh luận.

Đặc biệt, các luật sư  chỉ rõ các dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bản chất vụ án trong quá trình điều tra đề nghị VKS làm rõ, cụ thể: Quá trình hỏi cung lấy lời khai, cơ quan điều tra không áp dụng ghi âm, ghi hình dẫn đến việc bị cáo phải tự đặt ghi âm để bảo vệ mình. Bên cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra cách thức có dấu hiệu “mớm cung, bẻ cung” khi dường như điều tra viên hướng dẫn ông Goh thay đổi lời khai trong buổi đối chất ngày 31/8/2020. Điều tra viên đã ghi lời khai không chính xác khi ông Goh đã thừa nhận việc chỉ đạo H. là đúng nhưng lại ghi ông Goh không nhớ. Lời khai của Ling cũng có dấu hiệu thể hiện việc này.

Đối đáp lại các quan điểm của luật sư, đại diện VKS thừa nhận ban đầu ông Goh có khai đã chỉ đạo bị cáo H. nhưng sau đó, ông này trình bày cách hiểu ngôn ngữ khác nhau nên không thừa nhận. Đồng thời, quan điểm điều tra viên mớm cung, bẻ cung là không có căn cứ. Đối với việc xác định hành vi của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng không phải làm dịch vụ vì các bị cáo phải biết quy trình làm giấy xác nhận kinh nghiệm ở đâu và không tranh luận thêm.

Sau 2 ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Hải Dương đã tuyên phạt bị cáo T 39 tháng tù, bị cáo Th 24 tháng tù, bị cáo L.T.Hi 27 tháng tù giam. Riêng bị cáo H 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án làm, sử dụng tài liệu giả tại Hải Dương