Sáng nay (18/1), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 5, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.
Theo đó, mở đầu phiên tòa sáng nay, đại diện VKS, giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đặt câu hỏi với ông Hoàng Công Tình, phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình, về việc "ai trong 3 bác sỹ điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo được ra y lệnh chạy thận?".
Đơn nguyên thận nhân tạo (hay còn gọi là đơn nguyên lọc máu) trực thuộc Khoa hồi sức tích cực, thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Đơn nguyên có 3 bác sỹ điều trị gồm: Hoàng Công Lương; Nguyễn Mạnh Linh; Phạm Thị Huyền.
Ông Hoàng Công Tình trả lời các câu hỏi tại phiên tòa
Trước câu hỏi trên của vị đại diện VKS, ông Hoàng Công Tình cho biết, trước thời điểm xảy ra sự cố, Hoàng Công Lương được phân công nhiệm vụ điều trị tại đơn nguyên lọc máu. Giữa Lương và hai bác sỹ Huyền - Linh đều có quyền ra y lệnh như nhau. Tuy nhiên, bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh được đào tạo hồi sức cấp cứu và nội nói chung, không được đào tạo riêng về lọc máu. Trong chứng chỉ hành nghề của các bác sỹ Khoa hồi sức tích cực là được điều trị bệnh nhân hồi sức cấp cứu và nội khoa.
Tiếp tục trả lời câu hỏi tại sao có quyền ra y lệnh ngang nhau nhưng bác sỹ Hoàng Công Lương lại phải ký vào y lệnh chạy thận do bác sỹ Phạm Thị Huyền đề nghị ký vào sáng 29/5, ông Hoàng Công Tình cho rằng vì bác sỹ Lương có tuổi đời và tuổi nghề cao hơn hai bác sỹ còn lại nên được hỏi để chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Tình nói: “Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sỹ có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn. Bác sỹ Lương ký như vậy là ký chia sẻ với bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh”.
Trước câu trả lời trên của ông Hoàng Công Tình, VKS hỏi lại: Bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh có “ký chia sẻ” với bác sỹ Lương hay không? Ông Tình cho biết: “Đặc thù ngành y là trong 1 ca điều trị khó, chúng tôi mời chuyên gia đến tham khảo ý kiến mà cũng không có quy định phải ký kèm vào y lệnh”.
Ông Tình tiếp tục nói: “3 bác sỹ thường hội ý với nhau trước khi ra y lệnh, bác sỹ Huyền cũng không nhất thiết hỏi ý kiến bác sỹ Lương để ra y lệnh, chẳng qua bác sỹ Lương có kinh nghiệm cao hơn nên bác sỹ Huyền đề nghị ký vào y lệnh như một cách để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Hai bác sỹ có quyền ngang nhau và có nghĩa vụ ngang nhau”.
Bên cạnh đó, ông Tình cũng cho biết thêm, bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu và nội khoa, chưa được cấp chứng chỉ chạy thận nhân tạo, vì vậy, chữ ký của Hoàng Công Lương còn có ý nghĩa để “thanh toán bảo hiểm y tế”.
Theo đó, đại diện VKS tiếp tục hỏi về điều kiện để ra y lệnh lọc máu, ông Tình cho biết bác sỹ hồi sức tích cực (chưa có chứng chỉ chạy thận nhân tạo) cũng có thể ra y lệnh chạy thận nhân tạo. Lý giải về việc này, ông Tình cho biết cả hai bác sỹ Huyền và Linh đều đã làm việc gần 3 năm, nếu làm 8 tiếng/ngày thì chỉ 2 tháng là có đủ thời gian về điều kiện để chạy thận nhân tạo. Quy trình của Bộ Y tế năm 2014 và Quy định 52 quy trình chạy thận được Bộ Y tế ban hành tháng 4/2018 giống nhau về điểm này. Theo đó, bác sỹ phải làm việc về thận nhân tạo ít nhất 200 giờ mới được ra y lệnh.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử: Ảnh TTXVN
Ngoài ra, ông Hoàng Công Tình cũng cho rằng để tiến hành chu trình chạy thận chu kỳ cần rất nhiều bộ phận. Cụ thể: bộ phận điều dưỡng khởi động hệ thống RO, quan sát đồng hồ trong ngưỡng an toàn, test máy chạy thận; khi các điều kiện đảm bảo về mặt lâm sàng thì kết nối máy vào người bệnh nhân, và phải có y lệnh lọc máu mới có thể kết nối máy chạy thận với người bệnh nhân.
Sau khi đặt câu hỏi với ông Tình, đại diện VKS đề nghị được hỏi hai bác sỹ Huyền và Linh nhưng cả hai vắng mặt, đại diện VKS đề nghị HĐXX triệu tập những người này.
Cũng tại tòa, HĐXX, VKS đặt câu hỏi với ông Trần Thế Hưng, Phó GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình nhưng ông Hưng không trả lời được bất cứ nội dung gì. Tuy nhiên, ngay sau đó, HĐXX đặt câu hỏi về quan điểm của bệnh viện khi gia đình các nạn nhân yêu cầu bệnh viện bồi thường, ông Hưng nói: “Đây là sự cố y khoa không mong muốn, mong HĐXX xem xét những yêu cầu của bị hại để đưa ra quyết định theo đúng luật pháp”.
Ngoài ra, ông Hưng không có yêu cầu gì khác và ủy quyền cho các luật sư tham gia phiên tòa trả lời trước phiên tòa. Tuy nhiên, Phó GĐ BVĐK Hòa Bình đã bị lúng túng khi HĐXX hỏi Bệnh viện ủy quyền cho luật sư hay cá nhân ông Hưng ủy quyền cho luật sư. Theo giấy ủy quyền của BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Hưng được ủy quyền toàn quyền quyết định việc trả lời HĐXX, tuy nhiên ông Hưng khẳng định ông chỉ đến đây để… ngồi nghe.
Cũng trong phần xét hỏi sáng nay, khi được đại diện VKS hỏi về vấn đề chuyên môn, Phó GĐ Hưng cũng từ chối trả lời và đưa ra lý do: “Tôi ở lĩnh vực khác, tôi ở Bệnh viện Nội tiết sang”.
Trước đó, trong phiên tòa chiều qua (17/1), HĐXX đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với đại diện của CTCP Dược phẩm Thiên Sơn.
Đến tòa với tư cách là người đại diện cho Công ty Thiên Sơn, luật sư Đinh Hương trả lời HĐXX những vấn đề liên quan đến việc cho thuê máy chạy thận, Hợp đồng số 315 (HĐ 315) giữa Công ty Thiên Sơn với BVĐK tỉnh Hòa Bình và Hợp đồng số 05 (HĐ 05) giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình (hai hợp đồng không khác nhau về nội dung yêu cầu công việc, chỉ khác nhau về mức giá).
Luật sư Đinh Hương tại phiên tòa
Luật sư Đinh Hương khẳng định, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) lên BVĐK tỉnh Hòa Bình để thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2 là để thực hiện HĐ 05 ký giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh.
Khi trình bày về nội dung HĐ 05, luật sư Hương cho biết, mục đích của Công ty Thiên Sơn mời Công ty Trâm Anh tham gia thực hiện hợp đồng đối với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Chính vì vậy, việc Quốc lên khảo sát là để sau này Công ty Thiên Sơn có ký hợp đồng sửa chữa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình sẽ có cơ sở để đối chiếu những yêu cầu của Bệnh viện với thực tế người sẽ làm với Công ty Thiên Sơn. Chính vì vậy, sau này Quốc gửi báo giá trao đổi nhiều lần với Công ty Thiên Sơn, báo giá để làm căn cứ thực hiện HĐ 05 có trước báo giá của Thiên Sơn gửi cho BVĐK Hòa Bình.
Trước câu trả lời trên của luật sư Hương, HĐXX tiếp tục hỏi luật sư Hương về việc Công ty Thiên Sơn có thông báo cho BVĐK tỉnh Hòa Bình về HĐ số 05 hay không, luật sư Hương trả lời: “Công ty Thiên Sơn là một doanh nghiệp, không có trách nhiệm phải báo cho đối tác của mình”.
HĐ 315 giữa Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình được ký kết căn cứ trên cơ sở Luật Đấu thầu. Tại Điều 89 của Luật này quy định cấm hành vi bán thầu. Tuy nhiên, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh cho rằng Tòa chưa quy kết việc Thiên Sơn ký HĐ 315 với bệnh viện, sau đó lại ký tiếp HĐ 05 với Công ty Trâm Anh có phải là hành vi “bán thầu” hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Hương, không thể quy kết hành vi “bán thầu”, vì trong Hợp đồng 315 có 3 phần việc: Cung cấp vật tư; cung cấp dịch vụ; và thu chi hộ, tức là một dịch vụ của đơn vị khác cung cấp.
Luật sư Đinh Hương nói: “Một doanh nghiệp kinh doanh một mặt hàng, đương nhiên doanh nghiệp đấy có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Ví dụ như cái micro này, nếu cứ phải là sản xuất ra micro tôi mới được bán thì cả nước bán thầu. Quan điểm của tôi là Công ty Thiên Sơn không bán thầu mà ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện Hợp đồng 315”.
Nữ luật sư Đinh Hương tiếp tục khẳng định: Công ty Thiên Sơn không giao cho bị cáo Quốc Hợp đồng 315, bị cáo Quốc thực hiện Hợp đồng 05 với Công ty Thiên Sơn, nội dung công việc được thể hiện theo Hợp đồng 05 và theo báo giá giữa hai bên.