Chiều ngày 14 và sáng 15/5, HĐXX phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon) tập trung làm rõ số tiền 7,9 tỉ đồng thuộc sở hữu nhà nước hay của Công ty cổ phần Vifon.
Đây có thể nói là một trong những mấu chốt của vụ án nên HĐXX cho các bên được trình bày hết sức đầy đủ.
Bị cáo Nguyễn Bi tại phiên toà phúc thẩm
Tại phiên toà giám định viên của Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của các luật sư đã khẳng định khoản tiền 7,9 tỉ là tiền phúc lợi của Công ty cổ phần Vifon không phải tiền nhà nước.
Bị cáo Huyền khai, năm 2003 Vifon cổ phần hóa, định giá tài sản là 48 tỷ đồng, đã bán và thu hồi vốn. Sau đó, Vifon đã tham gia liên doanh với 3 công ty, phần vốn góp với hình thức góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Đến năm 2004, Vifon đã hoàn thành chuyển nhượng toàn bộ vốn cho đối tác nước ngoài. Sau khi nhận tiền hoàn vốn, Vifon đã thanh toán tiền thuê đất và các khoản khác cho Nhà nước, phần còn lại chuyển cho Bộ Công nghiệp. Bộ Công nghiệp giao lại cho Vifon 7,9 tỉ đồng để lập quỹ khen thưởng của công ty.
Bị cáo Nguyễn Bi, cho rằng 7,9 tỉ đồng này được Bộ Công nghiệp cho phép trích làm quỹ khen thưởng của Công ty theo Quyết định khen thưởng số 01, sau khi trừ đi các chi phí. Trong đó, một phần dùng để thưởng cho lãnh đạo công ty đã có công trong việc liên doanh với đối tác đem lại lợi nhuận, phần còn lại là 2,3 tỷ đồng sẽ chi cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Công ty Vifon. Như vậy, đây không phải phần vốn góp của Nhà nước. Bộ Công nghiệp cũng không có văn bản nào thu hồi khoản tiền này.
Trước đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng xác định không phải là nguyên đơn dân sự.
Về khoản 7,9 tỉ đồng, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định đây là số tiền của Công ty cổ phần Vifon.
Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX huỷ tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong bản án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Bị.
HĐXX chuyển sang phần nghị án. Dự kiến chiều 19/5 sẽ tuyên án.
Quang Trung