Sáng 11/1, phiên tòa xét xử “đại án” Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục với ngày làm việc thứ 10. Các luật sư đã trình bày các luận cứ bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gồm Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương…
Luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp, trình bày các luận cứ bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB). Mai bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 22 năm tù, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo nhận định của đại diện VKSND cấp cao, kháng cáo của Mai là không có căn cứ, đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên tội danh và hình phạt.
LS Thiệp đưa ra các tình tiết mới như Mai được xác định là đồng phạm giúp sức, do đó cần xem xét hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của Phạm Công Danh để đánh giá vai trò của Phan Thành Mai. Theo LS Thiệp, cần xem xét hậu quả thiệt hại những khoản vay không có khả năng thu hồi trong vụ án này. Bản án sơ thẩm xác định thiệt hại còn nhiều bất cập. Bị cáo Mai bị xét xử với vai trò đồng phạm, vậy trước hết cần phải xét tất cả hành vi của bị cáo Danh.
Về hành vi rút 5.190 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng và khoản vay 300 tỷ không có chữ ký của khách hàng, hôm qua (10/1) luật sư bào chữa cho bị cáo Danh trình bày những khoản trên không có thiệt hại. Bởi lẽ, ngân hàng đang giữ 124 sổ tiết kiệm số tiền với số tiền lớn hơn 5.490 tỷ đồng rất nhiều.
Theo LS Thiệp, Mai không có chỉ đạo liên quan đến 5.490 tỷ đồng. Hồ sơ xác định việc vay tiền không cần xin phép ý kiến của hội sở, các bị cáo khác cũng xác định do bị cáo Danh đáp ứng cho nhóm khách hàng này, việc này không liên quan tới bị cáo Mai. Không có cơ sở xác định Mai liên quan tới số tiền trên bởi đến khi bị bắt thì Mai mới biết vụ việc. Khi thực hiện mọi giao dịch tới khoản tiền này thì bị cáo Mai không hay biết.
Mai Hữu Khương bị áp giải sau phiên tòa
Về tình tiết giảm nhẹ, LS Thiệp cũng nhận định bản án sơ thẩm xác định gia đình bị cáo Mai có nhiều đóng góp tích cực đối với cách mạng. Tuy nhiên, vẫn còn sót rất nhiều như Huân chương lao động của bố bị cáo, quá trình làm việc bị cáo Mai được tặng nhiều bằng khen. Vì vậy, kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Mai giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là có căn cứ.
Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Phan Thành Mai “tâm tư” về hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội. Mai đặt câu hỏi: “Vì sao bị cáo và anh Danh trước đây là những công dân đàng hoàng mà nay là những người phạm tội?” Mai kể hoàn cảnh khi bị cáo tiếp quản ngân hàng thì số tiền âm 5.000 tỷ đồng. Khi bị cáo bị bắt, tiền âm đến 18.000 tỷ đồng. Do nợ xấu của nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang, do chi trả cho khách hàng chiếm 90% số tiền lãi 6 tỷ/ngày. Đây là số tiền chiếm nhiều nhất gây tổn thất cho ngân hàng".
Mai khen Danh là một người “đầy nhiệt huyết”, muốn xây dựng một ngân hàng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Mai kể về những khó khăn mà bị cáo và Danh phải gặp phải khi Danh phải bỏ ra 4.600 tỷ đồng để tiếp quản.
Năm 2012, Danh bỏ ra 2.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động của ngân hàng. "Khi ông Trần Quý Thanh xuất hiện thì anh Danh phải vay tiền để trả ngoài và phụ thuộc vào khách hàng. Số tiền 5.190 tỷ đồng được hình thành từ khoản vay ban đầu, tới năm 2014 không đủ khả năng việc chi trả lãi ngoài cũng như lãi sổ tiết kiệm. Nhưng anh Danh nói đây là cam kết của anh Danh và ông Thanh, việc này cho thấy anh Danh phải chi trả một số tiền rất lớn", bị cáo Mai nói.
Mai còn bày tỏ: “Bị cáo hiện đang phải đối mặt với bản án 22 năm tù thì bị cáo chỉ muốn nói ra nguyên nhân dẫn tới những sai phạm của mình”.
Bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương bị cấp sơ thẩm phạt 20 năm tù, LS Trịnh Minh Tâm cho rằng Khương đã có đơn yêu cầu kháng cáo bản án và đề nghị xem xét lại hành vi của bị cáo trong khoản vay 5.190 tỷ đồng. Bị cáo Khương yêu cầu HĐXX xem xét và giảm án cho bị cáo.
Bị cáo Khương chưa có hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về 2 khoản vay 5.190 tỷ đồng và 3.100 tỷ đồng. LS khẳng định bản án sơ thẩm đã có sự nhầm lẫn về hành vi của bị cáo Khương. Cáo trạng xác định các bị cáo đã ký vào biên bản họp HĐQT, theo lời khai của bị cáo Phan Thành Mai tại phiên toà này là việc ký biên bản là nhằm để hợp thức hoá.
LS Tâm nhận định cần xem xét lại bản án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Khương, Khương có dấu hiệu bị oan trong vụ án này. Về khoản vay 5.190 tỷ đồng, bị cáo Khương không có liên quan nên HĐXX cấp phúc thẩm cần xem xét lại.
Ông Trần Quý Thanh không đến tòa nhưng đi dự… Tết doanh nhân Ông Thanh đi dự Tết doanh nhân 2017 Trong quá trình xét xử phúc thẩm, HĐXX đã tiến hành triệu tập ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát) đến tòa để xét hỏi, làm rõ về khoản tiền 5.190 tỷ đồng và các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ông Thanh không đến tòa theo triệu tập do bị bệnh, phải nằm điều trị tại Bệnh viện. Thế nhưng, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh ông Thanh tham dự Ngày hội Tết doanh nhân 2017, Tọa đàm “Những cơ hội và thách thức của năm 2017” ngày 8/1/2017. Trong phần phát biểu quan điểm ngày 10/1, đại diện VKSNDCC tại TP. HCM đã đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, VKSNDTC xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi làm trái, gây thiệt hại 5.190 tỷ đồng cho VNCB khi tiến hành điều tra vụ án cố ý làm trái liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang đã được cấp sơ thẩm khởi tố . VKS cũng đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ Công an áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với các đối tượng có liên quan trong các vụ án cấp sơ thẩm khởi tố vụ án và các đối tượng có liên quan trong vụ án bị VKSNDCC đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại phiên tòa hôm nay. |