Pháp đình

Xét xử phúc thẩm cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội

Mạnh Hùng 22/01/2024 - 10:25

Sáng nay (22/1), TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Hùng - cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường) cùng các bị cáo khác trong vụ án "bảo kê" sách giáo khoa giả, có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo thông báo của Chủ tọa phiên tòa, vụ án có 18/36 bị cáo kháng cáo. Ngoài bị cáo Hùng kêu oan, một số bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa sáng nay, ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư của bị cáo Trần Hùng đề nghị HĐXX triệu tập đại diện của Trung tâm Mobifone, đề nghị triệu tập tất cả người làm chứng và người liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong vụ án tại phiên tòa.

Cũng tại phiên tòa, đại diện VKS cho biết sự vắng mặt của một số người làm chứng, người liên quan đến vụ án, tuy nhiên xét thấy lời khai của họ đã có trong hồ sơ vụ án nên sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng tới việc xét xử phúc thẩm, đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.

Trước ý kiến của luật sư, đại diện VKS, HĐXX đã quyết định vào phòng nghị án để hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng với những người làm chứng họ đã có đơn xin xét xử vắng mặt và cũng xin giữ nguyên lời khai trước đó của mình.

Với việc đề nghị triệu tập đại diện của Mobifone, HĐXX cho biết đơn vị này đã cung cấp tài liệu và đã được lưu giữ trong hồ sơ vụ án. Do đó, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử với các bị cáo.

Trong phiên tòa sáng nay, HĐXX phúc thẩm dành phần lớn thời gian cho phần thủ tục, kiểm tra căn cước của các bị cáo và công bố nội dung hồ sơ vụ án.

cuc-quan-ly-thi-truong-tran-hung-1-.jpg
Bị cáo Trần Hùng - cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường) cùng các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay

Theo bản án sơ thẩm, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty, biết ông Trần Hùng (SN 1962) là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để được xử lý nhẹ. Ông Hùng tạm thời “đồng ý tha” nhưng yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Sau đó bà Thuận kết nối với bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để được gặp trực tiếp ông Hùng, ngỏ ý sẽ chi 400 triệu đồng.

Sau cuộc trao đổi với Hải, ông Hùng đã “hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc”, chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tiếp nhận ý kiến của ông Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bà Thuận.

Theo cáo buộc, ngày 14/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc đưa cho ông Hùng. Sau khi nhận tiền, ông Hùng gọi điện thoại chỉ đạo bị cáo Lê Việt Phương, Đội phó Quản lý thị trường số 17, tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính.

Từ ngày 19 đến ngày 27/7/2023, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Trần Hùng 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ", phạt bổ sung 80 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải bị phạt 27 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ". Đối với nhóm cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội, tòa tuyên phạt: Lê Việt Phương 30 tháng tù; Phạm Ngọc Hải 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Thành Thị Đông Phương 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận lãnh 10 năm tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" và phải nộp phạt 50 triệu đồng. Các bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, đến 6 năm tù.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bị cáo Trần Hùng và 5 bị cáo khác kháng cáo.

Trong quá trình truy tố, xét xử vụ án, ông Trần Hùng liên tục kêu oan. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Hùng cho rằng những lời khai của các bị cáo trước đó không đúng sự thật. Giữa ông và các bị cáo còn lại không có mâu thuẫn gì. Ông Hùng cho rằng đang bị các bị cáo vu khống, triệt hạ.

Cũng theo lời ông Trần Hùng, trong quá trình giải quyết vụ việc, bị cáo Thuận có gọi điện thoại để xin gặp nhưng ông từ chối. Ngày 15/7/2020, Hải đến phòng làm việc đặt vấn đề tiền nong để xử lý vụ việc cho Thuận đã bị ông mắng, đuổi về.

Bản án sơ thẩm cho rằng mặc dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có khác nhau về thời gian đưa tiền, nhưng xuyên suốt nội dung lời khai của bị cáo này đều thể hiện việc đưa tiền cho Hùng để giúp đỡ Thuận.

Lời khai của hai nhân chứng quan trọng là Kiều Nghiệp và Nguyễn Văn Kim là cán bộ quản lý thị trường, đồng nghiệp của Trần Hùng, đều cho thấy Hải có mang theo một túi bóng đen tới phòng làm việc của Hùng.

Ngoài ra, lời khai của Hải về việc đưa nhận tiền cho Hùng vào đầu giờ chiều 15/7/2020 phù hợp với lời khai các nhân chứng và quá trình thực nghiệm điều tra của cơ quan Công an.

Từ đó, bản án sơ thẩm bác bỏ lời kêu oan của bị cáo Trần Hùng, tuyên bị cáo Hùng phạm tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội