Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo xin cơ hội để sớm làm lại cuộc đời

An Dương| 25/01/2018 17:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 25/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục với phần tranh luận.

Các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là giám đốc công ty lập hồ sơ khống tiếp tục trình bày quan điểm bào chữa. Nhiều bị cáo bày tỏ nguyện vọng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để làm lại cuộc đời…

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Việt Bun (SN 1976, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Khôi Nguyên Phát), luật sư Trần Giáng Hương nhận định hành vi của bị cáo không phải là tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Luật sư lập luận việc bị cáo mua trái phiếu xuất phát từ mục đích đầu tư, sinh lợi, là thỏa thuận dân sự, được pháp luật cho phép. 

Luật sư cho rằng bị cáo Bun tìm hiểu các kênh thông tin và mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Công ty đã chuyển 109 tỷ đồng để mua trái phiếu là có thật. Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiệm trả lại số tiền trên. Việc giao dịch trái phiếu chưa đủ điều kiện có thể giải quyết dân sự, không phải hình sự. Luật sư lưu ý việc ký kết hợp đồng với Tập đoàn Thiên Thanh là tự nhiên, bị cáo không có mối quan hệ làm việc với Phạm Công Danh.

Từ đó, luật sư nhận định việc quy kết bị cáo Bun có vai trò giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho VNCB là không đúng. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Đỗ Việt Bun tự bào chữa bày tỏ nguyện vọng mong HĐXX xem xét khách quan, không cách ly bị cáo với xã hội để có cơ hội chăm sóc gia đình, làm việc có ích.

Bào chữa cho bị cáo Ong Khắc Chung (SN 1983, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Khánh Chi, bị VKS đề nghị 2-3 năm tù, cho hưởng án treo), luật sư cho rằng hành vi của bị cáo liên quan đến hành vi của Vũ Viết Minh Quân (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư và thương mại Minh Quang) trong việc đã sử dụng pháp nhân Công ty Khánh Chi tham gia vào việc vay 112 tỷ đồng của TPBank, mua bán trái phiếu Công ty Trung Dung. Bị cáo Chung hoàn toàn đồng ý với luật sư, không bổ sung thêm và trình bày hoàn cảnh gia đình có công cách mạng, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo xin cơ hội để sớm làm lại cuộc đời

Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Lộc Việt, bị VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù), luật sư nhận định hình phạt VKS đề nghị là quá nghiêm khắc. Ngoài ra, bị cáo Hà còn bị quy kết phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại một khoản tiền là quá nặng nề. Bản thân bị cáo chỉ là giám đốc điều hành. Trong việc giới thiệu các công ty để vay tiền tại TPBank, bị cáo giới thiệu 6 công ty để làm hồ sơ vay vốn tại TPBank và không ký bất kì giấy tờ gì trong gói tín dụng TPBank.

Theo luật sư, trong 6 công ty làm hồ sơ vay vốn nêu trên, chỉ có 2 công ty thuộc Quỹ Lộc Việt, còn lại là bị cáo giới thiệu anh em, bạn bè. Điều này là bình thường vì trong kinh doanh, thấy sản phẩm nào có lợi  thì giới thiệu để cùng kinh doanh. Bị cáo Hà cho rằng đây là sự kinh doanh an toàn, có lợi. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và thẩm vấn cho thấy, bị cáo Hà không có sự bàn bạc, thống nhất với bị cáo Danh.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Kim Cẩm Vân (SN 1975, nguyên phụ trách kế toán Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Lộc Việt, mức án đề nghị 3 năm tù), luật sư cho rằng bị cáo chỉ vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái. Bị cáo Vân chỉ là người làm công ăn lương, nhận lương theo vị trí kế toán, bị cáo không biết hậu quả có thể xảy ra. Đề nghị HĐXX xem xét cho hưởng án treo đã đủ tính răn đe, chăm sóc gia đình.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Hoài Thanh (SN 1985, nguyên phó Giám đốc CTCP đầu tư và phát triển Thạch Hà, mức án đề nghị 3 năm tù và hưởng án treo), luật sư cho biết bị cáo chỉ ký tên vào các văn bản, hồ sơ theo chỉ đạo, không hề ý thức về hành vi của mình là sai phạm. Quy kết bị cáo phải chịu trách nhiệm về 300 tỷ đồng trong vụ án là chưa chính xác. Bị cáo có vai trò giúp sức nhưng chỉ là thụ động. Bị cáo Thanh cũng không được hưởng đồng nào từ khoản tiền trên. Hiện hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, mong  HĐXX xem xét.

Bào chữa cho bị cáo Đỗ Phương Nam (SN 1980, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đại Phát Việt Nam), Đỗ Minh Thủy (SN 1983, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Đức Long), luật sự nhận định vai trò các bị cáo là thụ động, chỉ do quen biết Hà nên ký, ký nhưng không biết kí gì. Các bị cáo không chối bỏ hành vi, thành khẩn khai báo. Theo luật sư, các bị cáo đều là nhân viên làm công ăn lương, gia đình có công với cách mạng. Thời gian bị tạm giam là đã đủ tác dụng răn đe đối với các bị cáo. Luật sư mong HĐXX xem xét tuyên mức hình phạt thấp hơn mức đề nghị của VKS để các bị cáo có cơ hội sớm hòa nhập xã hội, làm lại cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Các bị cáo xin cơ hội để sớm làm lại cuộc đời