Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Ba ngân hàng “lên tiếng” về số tiền hơn 6.100 tỷ đồng đề nghị thu hồi

Văn Vũ| 31/07/2018 20:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (31/7), đại án Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục xét xử sơ thẩm với phần tranh tụng.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng. Hầu hết các Luật sư cũng như bị cáo xin giữ nguyên quan điểm bào chữa tại phiên tòa lần trước. 

Về ý kiến của đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu trong phần luận tội, đề nghị thu hồi số tiền hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng (CB).

Tranh tụng tại phiên tòa, các Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng này tiếp tục giữ nguyên quan điểm đã bảo vệ tại phiên tòa lần trước.

Các Luật sư nại ra rằng, nếu cho khoản tiền hơn 6.100 tỷ đồng là vật chứng cần thu hồi, thì số tiền này không còn nằm ở ngân hàng nữa. Do đó, việc thu hồi không còn phù hợp.

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2:  Ba ngân hàng “lên tiếng” về số tiền hơn 6.100 tỷ đồng đề nghị thu hồi

Các luật sư tranh tụng tại phiên tòa

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho BIDV xin bảo lưu quan điểm trước đó. Luật sư cho rằng, quan điểm mà VKS đặt ra là giữ quan điểm thu hồi 6.126 tỷ đồng của 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV nhưng không có dẫn chiếu các căn cứ như xác định khoản nào, món nào liên quan đến hành vi cụ thể nào được xem là vật chứng. Do đó, Luật sư cho rằng, đề nghị thu hồi của VKS là không có căn cứ.

Toàn bộ diễn biến phiên tòa và hồ sơ thể hiện việc đề nghị thu hồi số tiền 6.126 tỷ đồng chỉ xuất phát từ quan điểm của VKS. Trong quá trình điều tra, VKSNDTC đã yêu cầu CQĐT thu hồi số tiền này, CQĐT không thực hiện bởi không có cơ chế và căn cứ theo quy định pháp luật.

Trong phiên tòa lần 1, HĐXX cũng đã có nhận định với hồ sơ hiện có, không đủ căn cứ để thực hiện theo yêu cầu của VKS, vì vậy đã quyết định trả hồ sơ. Theo đó, để thực hiện theo yêu cầu của VKS thì cần thêm rất nhiều căn cứ pháp lý.

Các Luật sư trình bày rằng, về căn cứ pháp lý, trước hết phải xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự quy định như thế nào trong pháp luật.

Quá trình điều tra truy tố và 2 lần xét xử đã xác định ông Danh và các thành viên trong VNCB đã thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB. Vậy thì theo quy định pháp luật, người phải chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục này phải là những người đã thực hiện hành vi mà pháp luật không cho phép.

Bây giờ đề nghị 3 ngân hàng phải trả tiền, khắc phục hậu quả là điều vô lý, không phù hợp với Điều 48 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Xác định vật chứng của vụ án: các Luật sư cho rằng số tiền 6.126 tỷ đồng không phải là vật chứng mà là số liệu tài chính để xác định số tiền các bị cáo gây thiệt hại bao nhiêu. Còn nếu để xác định số tiền này là vật chứng thì phải là những tờ tiền, mang dấu vết của tội phạm. Đồng thời, tài liệu vật chứng nào không được thu giữ theo đúng trình tự tố tụng thì không được xem là vật chứng.

Khi đặt ra đề nghị này, đại diện VKS có đưa ra được căn cứ nào chứng minh rằng số liệu 6.126 tỷ đồng này được thu giữ và bảo quản đúng theo quy định.

Về nội dung của số tiền, các Luật sư nhận định rằng, đủ cơ sở xác định BIDV không gây thiệt hại cho VNCB nằm trong số tiền 6.126 tỷ đồng. Chủ trương ngân hàng cho vay là đúng với quy trình. Về giao dịch vay hoàn toàn đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Quá trình cho vay và nhận bảo đảm, thu hồi cho vay là đúng quy định.

Đến thời điểm giám định thì BIDV không có thiệt hại từ việc cho các công ty vay vốn với tài sản bảo lãnh của VNCB.

Công văn của NHNN cũng đã có kết luận việc BIDV thu hồi số tiền cho vay từ chính các công ty vay chứ không phải từ VNCB.

BIDV không biết mục đích khi VNCB giới thiệu 12 công ty vay vốn tại BIDV. Không biết mục đích của ông Danh thông qua 12 công ty để vay tiền tăng vốn điều lệ trái pháp luật, cũng như không biết 12 công ty là của Phạm Công Danh. Chính vì vậy, khi phát hiện ra, BIDV đã tiến hành thu hồi số nợ từ 12 công ty.

Như vậy thiệt hại của VNCB do chính hành vi của các cán bộ của VNCB, không thuộc trách nhiệm của các ngân hàng cho vay.

Trách nhiệm của CB là nguyên đơn dân sự có yêu cầu 3 ngân hàng trả lại hơn 6.100 tỷ đồng thì BIDV có yêu cầu trả lại số tiền hơn 2.500 tỷ đồng trái mục đích. Việc thu hồi khoản tiền 6.100 tỷ đồng là không khả thi bởi khoản tiền này hòa chung vào tổng nguồn vốn, thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông.

Việc thu hồi sẽ phát sinh ra những vấn đề rắc rối, phục hồi những tài sản đã thế chấp. Đề nghị của VKS không xuất phát và đảm bảo quyền lợi ích liên quan.

Nếu thu hồi thì buộc Nhà nước phải bỏ tiền túi của mình ra thực hiện do BIDV là ngân hàng được nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đây là hệ lụy lớn khiến hệ thống ngân hàng lo lắng, gia tăng rủi ro pháp lý. Đồng thời làm xáo trộn môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn.

Từ những phân tích trên, Luật sư cho rằng, BIDV không có trách nhiệm bồi hoàn. Nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng tâm lý bất an cho các cán bộ tín dụng trước những vi phạm không phải mình gây ra. Do đó, Luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận thu hồi 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.

Tương tự, Luật sư bảo vệ cho TPBank cho rằng, liên quan số tiền hơn 1.700 tỷ đồng tại TPBank, các hợp đồng cho vay hoàn toàn hợp pháp đúng quy định cho nên việc thu hồi chưa có đủ căn cứ pháp lý. Việc VNCB mở tài khoản thanh toán tại TPBank là hoàn toàn hợp pháp, ngoài ra theo kết luận giám định của NHNN hoạt động tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) là đúng quy định.

Đối với các hợp đồng tín dụng mà TPBank ký với 11 khách hàng vay vốn, hợp đồng này hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định Luật TCTD, đã được NHNN và cơ quan điều tra ghi nhận. Mặc dù 3 ngân hàng có thiếu sót trong quá trình cho vay nhưng không vi phạm quy định pháp luật.

Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2:  Ba ngân hàng “lên tiếng” về số tiền hơn 6.100 tỷ đồng đề nghị thu hồi

Các bị cáo tại phiên tòa

Liên quan đến các giao dịch cầm cố bảo lãnh: Để đảm bảo cho các khoản vay thì VNCB đã dùng tiền gửi tại TPBank làm tài sản bảo đảm. Việc VNCB dùng tiền gửi của mình để làm tài sản bảo đảm là hợp pháp.

Trước khi VNCB dùng tiền gửi làm tài sản đảm bảo, VNCB đã gửi các hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo. Về thu hồi nợ, Luật sư cho rằng phù hợp với quy định pháp luật. Trình tự thủ tục, xử lý tài sản đảm bảo của TPBank cũng tuân thủ quy định. Theo đó, việc thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng không có đủ pháp lý, không tuân thủ luật tố tụng hình sự. Luật sư đồng ý với VKS khi cho rằng ông Danh và đồng phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho VNCB nên TPBank không có trách nhiệm đối với hành vi làm trái của ông Danh.

Liên quan 1.666,8 tỷ đồng mà TPBank giải ngân cho các khoản vay: Sau khi 11 công ty được TPBank giải ngân cho vay, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các đối tượng chuyển số tiền cho Phạm Công Danh sử dụng.

Luật sư đề nghị công nhận tính pháp lý giữa các hợp đồng. Đề nghị xác định số tiền chính xác số tiền 1.666,8 tỷ đồng hiện đang được cá nhân tổ chức nào nắm giữ để thu hồi lại.

Còn Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Sacombank nhìn nhận rằng, nếu cho rằng khoản tiền hơn 6.100 tỷ đồng là vật chứng cần thu hồi. Theo Luật sư, số tiền này không còn nằm ở các ngân hàng nữa do đó việc thu hồi không còn phù hợp.

Đối với các giao dịch cho vay và cầm cố tài sản bảo đảm đối với 6 công ty và VNCB là do pháp nhân Sacombank thực hiện chứ không phải những người đứng đầu ngân hàng thực hiện.

Và khi thực hiện đều đúng các quy định pháp lý, NHNN cũng đã xác nhận những giao dịch này đầy đủ giấy tờ hợp pháp, mặc dù trong quá trình vay có một số thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến tính pháp lý và hợp đồng.

Do đó, Luật sư nhận định rằng, Sacombank không gián tiếp cũng như trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB.

Cả 3 ngân hàng số lượng cổ đông và đầu tư lớn, việc thu hồi không khách quan sẽ ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư, cổ đông tại 3 ngân hàng và ảnh hưởng đến hoạt động của 3 ngân hàng nên mong HĐXX xem xét đảm bảo sự bình đẳng của Sacombank và 2 ngân hàng TPBank và BIDV.

Theo đó, các Luật sư bảo vệ cho 3 ngân hàng đều đề nghị HĐXX xem xét, tuyên không thu hồi số tiền 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng để khắc phục hậu quả của vụ án.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Ba ngân hàng “lên tiếng” về số tiền hơn 6.100 tỷ đồng đề nghị thu hồi